Những kết quả khả quan
Về kết quả kinh doanh, năm 2017, tổng tài sản của các DNNN là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3%; tổng doanh thu đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26%; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 219.469 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016. Hầu hết các doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần, nằm trong phạm vi an toàn với tỷ lệ bình quân là 1,25 lần.
Về tái cơ cấu, tính đến cuối năm 2017, có 74 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, đạt 54% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 (137 doanh nghiệp). Việc thoái vốn nhà nước về mặt giá trị cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra khi thu về 198.000/250.000 tỷ đồng (79% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020).
Tỷ lệ vốn nhà nước trong những lĩnh vực không cần chi phối giảm và có chuyển biến tích cực. Cổ phần hóa các doanh nghiệp quản lý cơ sở hạ tầng đúng định hướng (Cảng biển Hải Phòng, Cảng Sài Gòn, Cảng Đà Nẵng cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 65%), cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập và nông lâm trường đạt được kết quả bước đầu, không ít tập đoàn, tổng công ty đã có định hướng vươn tầm khu vực.
Theo đó, 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản.
Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đạt được kết quả bước đầu, tình hình tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty yếu kém, thua lỗ đã được cải thiện.
Cụ thể, đối với 6 nhà máy hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ, đã có 2 nhà máy có lãi và 4 dự án còn lại từng bước giảm lỗ, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần đi vào ổn định. Đối với 3 dự án bị dừng sản xuất - kinh doanh, đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại một phần (dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ).
Đối với 3 dự án đầu tư dở dang, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho; 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.
Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan đến 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương đã được tiến hành và có những kết quả tích cực bước đầu, tạo sự răn đe đối với các hành vi cố ý phạm tội trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại các dự án, DNNN.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khối DNNN nhìn chung chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn thấp; cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…
Một số kiến nghị giải pháp
Một là, sớm hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Đặc biệt, chú trọng đến quy định khái niệm DNNN, quy định về chế độ hợp đồng đối với chức danh quản lý doanh nghiệp, có cơ chế đặc thù cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cơ quan này hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, thay đổi cơ chế tiền lương, thu nhập trong DNNN để tiền lương, thu nhập là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp; quy định cơ chế hợp đồng đối với các chức danh quản lý điều hành DNNN gắn với thu nhập và mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Hai là, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Ba là, đối với nguồn thu từ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, lợi nhuận sau khi phân chia các quỹ nộp về nhà nước, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể để ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, các ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ lâu dài; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức sự nghiệp công lập. Tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là người đứng đầu trong tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước theo phương án được phê duyệt.
Chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích đất của các DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa, đối chiếu với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, xác định các trường hợp sử dụng sai mục đích, lãng phí để xử lý các vi phạm. Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả nhiệm vụ được giao.
Kiểm toán Nhà nước lập kế hoạch kiểm toán hàng năm để đẩy nhanh tiến độ kiểm toán, xác định và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước lớn.
Năm là, rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với công ty đại chúng. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN.
Có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp doanh nghiệp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm. Tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, báo chí và nhân dân đối với hoạt động của DNNN.
Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị, sức cạnh tranh của DNNN. Xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp; rà soát điều lệ hoạt động, quy chế quản lý nội bộ, làm việc, phương pháp quản trị tại doanh nghiệp. Nghiên cứu cơ chế đối với ban kiểm soát, kiểm soát viên theo hướng hoạt động độc lập. Hoạt động của doanh nghiệp phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, nguyên tắc quản lý tài chính.
Xây dựng phương án tổ chức sản xuất - kinh doanh phù hợp tình hình thực tế; triển khai sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên để tránh phân tán nguồn lực; đổi mới cơ cấu lao động và tinh giản lực lượng lao động nhằm giảm hao phí lao động; tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ.
Kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.