Hôm thứ Hai (7/6), chỉ số Stoxx 600 của châu Âu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại và tiếp tục tăng cao hơn vào thứ Ba (8/6). Các chiến lược gia cho rằng, sau một thập kỷ hoài nghi, cổ phiếu châu Âu có thể tiếp tục là điểm đặt cược vững chắc trong những tháng tới.
Chỉ số Stoxx 600 |
"Đây không phải là 4 giờ sáng trong một bữa tiệc châu Âu. Đây mới chỉ là 9 giờ tối, vì vậy còn rất nhiều việc phải làm”, Jeffrey Sacks, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Citi Private Bank cho biết.
Trong 10 năm qua, các nhà đầu tư đã cảnh giác về việc bơm tiền ở châu Âu vì đây là khu vực có tăng trưởng kinh tế thấp, đồng euro suy yếu, rủi ro chính trị và khu vực ngân hàng đang gặp khó khăn.
Chiến lược gia Jeffrey Sacks cho biết, một động lực khác hỗ trợ cho thị trường chứng khoán châu Âu là các nước thành viên EU bắt đầu chi tiền được phân bổ thông qua quỹ phục hồi của khối và các chương trình tiêm chủng được triển khai.
JPMorgan dự đoán rằng 390 tỷ euro (475 tỷ USD) viện trợ không hoàn lại và 360 tỷ euro (438 tỷ USD) cho vay sẽ bắt đầu được triển khai trong năm nay và dòng tiền này có thể tiếp tục hỗ trợ kinh tế đến năm 2026.
Ngoài ra, cũng có những lý do khiến thị trường chứng khoán châu Âu sẵn sàng bứt phá. Thị trường chứng khoán châu Âu có các công ty lĩnh vực ô tô và ngân hàng hoạt động tốt khi nền kinh tế đang trên đà phát triển, đây cũng là nhóm ngành tác động chính yếu tới chỉ số chung. Nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện trả cổ tức lành mạnh.
Kế đó, thị trường chứng khoán châu Âu cũng ít phụ thuộc vào cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng trưởng cao như Amazon và Apple như ở thị trường Mỹ, vì các cổ phiếu công nghệ đang trở nên kém hấp dẫn hơn khi các nhà đầu tư lo ngại về việc tăng lãi suất.
"Chúng tôi đã nâng cấp quan điểm chiến lược đầu tư của mình về chứng khoán châu Âu lên trung lập vào tháng 2 và đang thấy nhiều lý do hơn để lạc quan về thị trường này trong 6 đến 12 tháng tới", chiến lược gia của BlackRock nói với khách hàng hôm thứ Hai (7/6).
Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro cần lưu ý. Giống như Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp vào thứ Năm (10/6) để đưa ra những nhận định và đánh giá tiến độ kinh tế hồi phục, nên một số quan điểm diều hâu nếu có cũng sẽ tác động tới đà tăng của thị trường. Ngoài ra, những lo ngại về các biến thể của Covid-19 cũng đang làm dấy lên nhiều mối lo ngại.
Chiến lược gia Jeffrey Sacks cho rằng, sau nhiều năm "thất vọng", đây có thể là thời điểm thị trường chứng khoán châu Âu tỏa sáng và có thể dẫn đến làn sóng M&A theo kiểu Mỹ và thậm chí là sự hưng phấn của các nhà đầu tư cá nhân.
Không chỉ EU, Anh cũng có thể tăng trưởng sau khi các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường trong nhiều năm do Brexit và trong khi cổ phiếu châu Á được hưởng lợi khi môi trường thương mại được cải thiện.
Phố Wall từ lâu đã thống trị các thị trường chứng khoán. Trong thập kỷ qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 236%, trong khi chỉ số Stoxx 600 của châu Âu tăng khoảng 86%, chỉ số FTSE 100 ở London tăng khoảng 27% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 56%. Do đó, chứng khoán châu Âu đang có cơ hội để vượt trội hơn.