Brexit ít tác động tới ngành ngân hàng, vì doanh thu nhà băng chủ yếu đến từ huy động và cho vay VND

Brexit ít tác động tới ngành ngân hàng, vì doanh thu nhà băng chủ yếu đến từ huy động và cho vay VND

Brexit tạo ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn vì tính “bầy đàn”

(ĐTCK) Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit, là một sự kiện bất ngờ với rất nhiều quốc gia, cũng như các thành viên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh những tác động dài hạn về kinh tế, chính trị, Brexit tạo ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn bởi phản ứng mang tính “bầy đàn” của giới đầu tư. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề này.

Brexit đã khiến đồng bảng Anh (GBP) và nhiều ngoại tệ mạnh khác biến động dữ dội, thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới phải nhóm họp tại Basel (Thụy Sỹ) vào cuối tuần qua, bàn về việc đối phó với Brexit. Ông có nhận định gì về diễn biến này?

Brexit đã khiến các ngoại tệ biến động mạnh. Trong đó, GBP và EUR là hai đồng tiền giảm giá mạnh nhất, đồng thời chịu tác động tiêu cực nhất, bởi Anh và EU là “nhân vật” chính của Brexit. GBP giảm mạnh hơn 11,8%, từ mức 1 GBP đổi 1,5000 USD xuống 1 GBP đổi 1,3225 USD ngay trong thời gian kiểm phiếu (từ 4h sáng đến khoảng 12h trưa ngày 24/6/2016 theo giờ Việt Nam). Sau đó, đồng bảng Anh hồi phục nhẹ trước khi tiếp tục lao dốc và giữ vững xu hướng giảm cho tới thời điểm này.

Bên cạnh GBP, đồng EUR cũng giảm mạnh nhưng với biên độ hẹp hơn. EUR đã giảm 4,6% xuống mức 1 EUR đổi 1,091 USD từ mức 1 EUR đổi 1,143 USD và đà giảm vẫn kéo dài.

Trái ngược với GBP và EUR, USD và JPY là những đồng tiền tăng giá khi được giới đầu tư tích cực mua vào với vai trò là tài sản an toàn. Chỉ số USD DXY đo lường giá trị của USD với 6 ngoại tệ mạnh tăng 4% từ mức 93,00 điểm lên 96,70 trong ngày 24/6. Sau đó, tuy USD có sự điều chỉnh nhưng hiện tại, sức mạnh của đồng bạc xanh vẫn cao hơn thời điểm cuối tháng 5/2016, khi thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong tháng 6.

Cùng lúc đó, JPY tăng giá mạnh 7,2% lên 1 USD đổi 99,08 JPY vào thời điểm Brexit được công bố ngày 24/6, so với 1 USD đổi 106,81 JPY trước đó. Hiện tại, JPY đã được điều chỉnh giảm nhẹ, giao dịch quanh mức 1 USD đổi 102 JPY. 

Brexit tạo ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn vì tính “bầy đàn” ảnh 2

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh 

Theo ông, diễn biến này tác động như thế nào đến nợ công và ngành ngân hàng Việt Nam?

Đối với vấn đề nợ công, Brexit có thể tác động thông qua hai đồng tiền là USD và JPY, bởi tỷ trọng các khoản nợ bằng hai loại ngoại tệ này chiếm khoảng 55% tổng nợ công Việt Nam (theo số liệu báo cáo Quốc hội 2014). Nếu các đồng tiền trên tăng giá mạnh so với VND, nợ công Việt Nam sẽ tăng theo.

Về ngắn hạn, VND đã tăng giá khoảng 1% từ mức 1 USD đổi 22.547 VND xuống 1 USD đổi 22.300 VND kể từ đầu năm cho tới nay. Hiện tại, các chỉ số vĩ mô như cán cân thương mại (5 tháng đầu năm, thặng dư đạt khoảng 1,3 tỷ USD), FDI (6 tháng đầu năm giải ngân khoảng 7,2 - 7,3 tỷ USD) đang diễn biến theo hướng hỗ trợ tỷ giá USD/VND, nên đồng bạc xanh khó có khả năng tăng giá mạnh so với VND. Ngoài ra, Brexit đã làm giảm khả năng nâng lãi suất của Fed trong năm nay, qua đó làm giảm khả năng VND giảm giá so với USD. Vì vậy, tác động của việc tăng giá USD lên nợ công Việt Nam trong ngắn hạn là không lớn.

Việc JPY tăng giá 4,5% trong 2 phiên giao dịch vừa qua là điều Chính phủ Nhật Bản không hề mong muốn, bởi đồng yên tăng giá làm giảm lợi thế xuất khẩu, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu của quốc gia này. Theo quan sát từ trước tới nay, mỗi khi đồng yên tăng giá gây tác động xấu lên nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đều có những động thái điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ thông qua các công cụ tiền tệ.

Ngày 27/6, một cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có phát biểu cho thấy, chính phủ nước này có thể can thiệp làm giảm giá JPY. Hiện tại, tỷ giá USD/JPY đang dao động quanh mức 102,8. Theo Ngân hàng Mizuho, nếu có sự can thiệp từ chính phủ, tỷ giá USD/JPY có thể quay về mức 110. Như vậy, JPY có thể tiếp tục giảm giá trong thời gian tới, giảm bớt tác động tiêu cực lên nợ công Việt Nam.

Về trung, dài hạn, Brexit có thể tạo tác động đáng kể khi các quốc gia có cơ cấu kinh tế và chính sách tương tự Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, giảm giá nội tệ so với USD, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 28/6 đã giảm tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (CNY) 1,14% so với đầu ngày 24/6, thời điểm thị trường Đại lục chưa chịu ảnh hưởng của Brexit. Áp lực giảm CNY của Trung Quốc nếu kéo dài sẽ tạo áp lực giảm giá VND như đã xảy ra trong năm 2015, khi đồng nhân dân tệ giảm giá gần 5% khiến VND giảm khoảng 3%, làm tăng giá trị các khoản nợ của Việt Nam được định giá bằng ngoại tệ.

Ngoài ra, những tác động dây chuyền của Brexit cũng cần được theo dõi sát sao, chẳng hạn việc Scotland muốn tiếp tục ở lại EU và có thể đơn phương tách khỏi Anh; động thái của các thành viên còn lại trong khối và phong trào đòi trưng cầu dân ý tại các quốc gia này như Pháp, Hà Lan; phản ứng của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc... Những biến động theo sau Brexit sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Anh mà lan tỏa trên toàn thế giới, kéo theo phản ứng dây chuyền về kinh tế, chính trị, đặc biệt là tiền tệ, mà hiện nay chúng ta chưa thể lường hết được.

Đối với ngành ngân hàng, tác động của Brexit là tương đối ít khi doanh thu các ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động huy động và cho vay bằng VND. Ngoài ra, trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, trên 90% ngoại tệ khác là USD, do vậy tác động nếu có sẽ đến từ biến động USD/VND, mà theo phân tích ở trên sẽ không đáng kể trong ngắn hạn. Về dài hạn, do có các yếu tố dây chuyền nên tác động của Brexit cần được theo dõi chặt chẽ để có dự báo phù hợp.

Sau khi đồng loạt tăng trong ngày cuối tuần trước (24/6), tỷ giá USD/VND đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong những ngày đầu tuần. Ông có nhận định gì về việc này?

Trong ngày 24/6 và sáng ngày 27/6, trước tác động của sự kiện Brexit, tỷ giá đã tăng nhẹ khoảng 30 - 40 đồng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra so với ngày 23/6. Tuy nhiên, ngay chiều ngày 27/6, tỷ giá đã giảm trở lại khoảng 20 đồng. Tôi cho rằng, mức biến động tỷ giá tại thị trường Việt Nam là không lớn trước tác động của Brexit.

Bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng phát đi tín hiệu sẵn sàng can thiệp vào thị trường và thực tế đã hút tín phiếu trong 2 phiên 24/6 và 27/6 nhằm nâng mặt bằng lãi suất, hạn chế tâm lý đầu cơ thì về cơ bản, nguồn cung ngoại tệ của thị trường nội địa vẫn đang dồi dào. Đây chính là yếu tố chính giúp tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt. Cán cân thương mại của Việt Nam đang thặng dư tới 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, trong khi nguồn giải ngân FDI tăng gần 20% và FDI đăng ký tăng tới 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, chúng tôi nhận thấy có một xu hướng là người dân rút bớt ngoại tệ gửi ngân hàng để chuyển đổi sang VND khi tỷ giá ổn định và lãi suất VND khá cao. Lượng giảm đi vào khoảng 52.000 tỷ đồng, tức là hơn 2 tỷ USD, cũng làm tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Theo tôi, các yếu tố kể trên cộng với việc tâm lý thị trường nhanh chóng được trấn an đã giúp hạ nhiệt tỷ giá sau sự kiện gây sốc Brexit.

Tin bài liên quan