Sau vài phút giao dịch tích cực ở đầu phiên, chứng khoán Mỹ trải qua phần còn lại của phiên giao dịch trong tình trạng ảm đạm, đồng thời chỉ số biến động tăng cao làm nổi bật nỗi lo lắng của nhà đầu tư.
Thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 11 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 và tiền lương của người lao động cũng tăng. Tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm chậm hơn so với tháng trước với mức tăng chỉ đạt 210.000 việc làm mới, kết quả này thấp hơn nhiều so với con số dự báo 573.000 từ các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò.
Bên cạnh đó, Viện quản lý cung ứng (ISM) cho biết, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 11 tăng lên mức 69,1, mức đọc cao nhất kể từ chỉ số này bắt đầu được nghiên cứu vào năm 1997. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể Omicron có triển vọng gây rủi ro đến ngành dịch vụ trong tháng cuối năm.
Cả hai dữ liệu dường càng thúc kỳ vọng của nhà đầu tư đối với động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo hướng thắt chặt chính sách. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này cũng cho biết, ngân hàng trung ương sẽ xem xét việc tăng tốc độ giảm mua trái phiếu nhanh hơn khiến thị trường dự đoán việc tăng lãi suất cũng sẽ sớm được đưa ra.
Trên hết, Chủ tịch Fed cũng chỉ ra mối lo ngại, biến thể Omicron dường như đang lây lan nhanh hơn biến thể Delta.
Số lượng các quốc gia báo cáo các xuất hiện các ca nhiễm Omicron tiếp tục tăng vào thứ Sáu nhưng chưa có sự rõ ràng về mức độ tác động lên sức khoẻ con người hay mức độ bảo vệ từ vắc-xin hiện có.
Chỉ số biến động thị trường CBOE (VIX), thước đo mức độ sợ hãi của phố Wall, đã tăng trên mức 35, trong phiên giao dịch buổi chiều, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1/2021.
Công nghệ là một trong những nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường trong ngày thứ Sáu khi cổ phiếu Tesla giảm 6,4%, Zoom giảm 4,1%, Apple giảm 1,92%, Mata giảm 1,14%, Microsoft giảm 1,97%.
Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall khép tuần trong sắc đỏ, đánh dấu thêm một tuần tồi tệ.
Kết thúc phiên 3/12, chỉ số Dow Jones giảm 59,71 điểm (-0,17%), xuống 34.580,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,67 điểm (-0,84%), xuống 4.538,43 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 295,85 điểm (-1,92%), xuống 15.085,47 điểm.
Trong tuần, S&P 500 giảm 1,22%, Dow Jones giảm 0,91%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,62%.
Chứng châu Âu ảm đạm trong phiên ngày thứ Sáu và chạm mức thấp nhất trong phiên sau khi chứng khoán Mỹ trượt dốc do lo ngại xung quanh biến thể Omicron.
Trong khi đó, dữ liệu được công bố tuần này cho thấy lạm phát ở châu Âu tăng mạnh, trong đó Đức đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Song Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì quan điểm lạm phát là “nhất thời”.
Ngoài ra, dữ liệu của IHS Markit cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro tăng tốc trong tháng 11, nhưng sự phục hồi có thể chỉ là tạm thời khi nhu cầu tăng trưởng suy yếu và lo ngại về biến thể Omicron làm giảm lạc quan.
Kết thúc phiên 3/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 6,89 điểm (-0,10%), xuống 7.122,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 93,13 điểm (-1,61%), xuống 15.169,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,23 điểm (-0,44%), xuống 6.765,52 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,11%, chỉ số DAX giảm 0,57%, chỉ số CAC 40 tăng 0,38.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, nhờ lực mua bắt đáy ở nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí. Chứng khoán Trung Quốc tăng khi nhóm cổ phiếu tiêu dùng và các nhà sản xuất chip tăng giá.
Chứng khoán Hồng Kông giảm khi Didi Global hủy niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York khiến các nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ hoảng sợ, mặc dù đà giảm được hãm lại nhờ cổ phiếu của HKEx.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm, được hỗ trợ bởi dòng tiền khối ngoại, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi những cảnh báo về biến thể Omicron.
Kết thúc phiên 3/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 276,20 điểm (+1,00%), lên 28.029,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 33,60 điểm (+0,94%), lên 3.607,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 22,24 điểm (-0,09%), xuống 23.766,69 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 23,06 điểm (+0,78%), lên 2.968,33 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,51%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,22%, chỉ số Hang Seng giảm 1,30%, chỉ số KOSPI tăng 1,09%.
Giá vàng đêm qua khởi sắc do nhà đầu tư lo ngại biến chủng Omicron và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1,4% lần đầu tiên kể từ tháng 9. Lợi suất tăng làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ công cụ không trả lãi, như vàng.
Kết thúc phiên 3/12, giá vàng giao ngay tăng 13,70 USD (+0,77%), lên 1.782,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 tăng 21,30 USD (+1,21%), lên 1.782,90 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,5%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 14 chuyên gia trên phố Wall, có 4 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 984người tham gia, 51% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 32% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu ít thay đổi trong phiên ngày thứ Sáu trong bối cảnh thị trường quan sát chặt chẽ các diễn biến xung quanh biến thể Omicron.
Các nhà khai thác dầu của Mỹ vẫn giữ nguyên số lượng giàn khoan dầu trong tuần này, sau khi bổ sung số lượng giàn khoan trong 5 tuần liên tiếp trước đó khiến lượng giàn khoan tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo Baker Hughes.
Ngoài ra, thị trường toàn cầu không nên mong đợi dầu từ Iran trong tương lai gần. Các cuộc đàm phán gián tiếp Mỹ - Iran về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đứng trước bờ vực khủng hoảng.
Kết thúc phiên 3/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,24 USD (-0,4%), xuống 66,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,21 USD (+0,3%), lên 69,88 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm 3,9%, trong khi WTI giảm 2,77%.