Bốn điểm “nóng” ngân hàng 2013

Bốn điểm “nóng” ngân hàng 2013

(ĐTCK) Sau một năm 2012 đầy thách thức, trong kỳ ĐHCĐ năm nay của các ngân hàng nổi lên 4 vấn đề “nóng” là M&A, biến động nhân sự, nợ xấu và cổ tức thấp.

M&A

Ngày 25/4, ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) đã công khai kế hoạch sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank). Tại Đại hội, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, việc sáp nhập hai ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý về mặt chủ trương. Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) cũng đã công khai kế hoạch, phương án hợp nhất với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam đều xin chủ trương sáp nhập với “một ngân hàng khác”.

Bốn điểm “nóng” ngân hàng 2013 ảnh 1

Hai ngân hàng vừa có HĐQT hoàn toàn mới là Trustbank và Westernbank

Một diễn biến khác, ngày 25/4, ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritimebank) đã thông qua chủ trương cho phép Maritimebank mua cổ phần của tổ chức tín dụng, DN khác vượt quá 20% vốn điều lệ của Ngân hàng.

Ngoài câu chuyện M&A giữa các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước, trong năm 2013, một số tổ chức tín dụng cũng đã bày tỏ chủ trương bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tại Sacombank, HĐQT đề xuất chủ trương và được ĐHCĐ phê duyệt phương án bán 20% vốn cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. HDBank đã thuê đơn vị tư vấn để tìm NĐT chiến lược, hiện Ngân hàng đang tiếp xúc với các đối tác đến từ Nhật Bản, Anh…

 

Biến động nhân sự cấp cao

Năm 2012, nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng có sự biến động mạnh. Ngoài những thay đổi do yếu tố buộc phải thay đổi để tăng hiệu quả kinh doanh, thì dòng chảy nhân sự ngành ngân hàng mạnh hơn do yếu tố M&A.

Từ đầu năm 2013 đến nay, có hai ngân hàng thay đổi toàn bộ nhân sự HĐQT. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) sau cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 7/2 đã có HĐQT với những thành viên mới tinh, trong đó nhiều thành viên đến từ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Đây là kết quả của việc “thay máu” cổ đông tại Trustbank, với 84% cổ phần được cổ đông mới mua lại, trong đó Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu 9,67%.

Sau cuộc họp ĐHCĐ bất thường ngày 16/3, Westernbank cũng có một HĐQT hoàn toàn mới. Báo cáo về lượng giao dịch cổ phiếu năm 2012 của Westernbank (tổng giá trị các lần chuyển nhượng cổ phần vượt quá vốn điều lệ Westernbank) cho thấy, việc thay toàn bộ nhân sự HĐQT Westernbank là kết quả của việc “thay máu” cổ đông và kế hoạch tái cấu trúc Ngân hàng.

Tại Sacombank, cuộc “thay máu” nhân sự diễn ra từ đầu năm 2012, nhưng đến ngày 25/4/2013 mới kết thúc. Trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm nay, 3 nhân sự mới là bà Nguyễn Thị Lệ An, ông Nguyễn Văn Cựu, ông Nguyễn Gia Định đã được bầu bổ sung thành viên HĐQT, thay thế 3 nhân sự cũ là ông Đặng Văn Thành, ông Đặng Hồng Anh và ông Trần Xuân Huy.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác đã bầu bổ sung nhân sự mới tại ĐHCĐ năm 2013 như: HDBank, Bản Việt, ACB, Phương Nam , Kiên Long…

Sức ép nợ xấu

Khi DN gặp khó khăn, sức ép nợ xấu không chỉ đè lên vai chính các DN, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản và rơi vào diện buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012.

Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ rất lớn do nhận sáp nhập Habubank, một trong những vấn đề được các cổ đông quan tâm là làm cách nào để giải quyết nợ xấu? Năm 2012, dù đã rất nỗ lực, nhưng tỷ lệ nợ xấu ở SHB vẫn chiếm tới 8,8% tổng dư nợ, so với mức 3% theo quy định của NHNN. Năm 2013, SHB đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 5%.

Đối với Sacombank, phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2013, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, năm 2012, kinh tế khó khăn, sức ép nợ xấu với Ngân hàng là rất lớn, việc không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2012 chủ yếu do phải trích lập dự phòng lớn. Năm 2013, sức ép nợ xấu vẫn cao. “Nếu hoàn thành được kế hoạch kinh doanh năm 2013 thì đó là nỗ lực của HĐQT, Ban điều hành”, ông Phú nói.

Tại nhiều ngân hàng thương mại khác, dù con số nợ xấu cuối năm 2012 được báo cáo không lớn, kế hoạch năm 2013 duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ, nhưng những câu hỏi liên quan đến nợ xấu, hướng kìm chế nợ xấu vẫn được các cổ đông nêu ra.

 

Cổ tức thấp

Trông chờ cổ tức từ DN nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng là tâm lý của rất nhiều cổ đông, nhất là những NĐT nắm giữ cổ phiếu lâu dài. Tuy nhiên, năm 2012, nhiều ngân hàng không đạt kế hoạch lợi nhuận và tỷ lệ chia cổ tức ở mức khá thấp.

Năm 2012, Ngân hàng ACB trải qua 2 thách thức lớn, đó là những biến cố liên quan đến nhân sự cấp cao của Ngân hàng và yêu cầu phải tất toán trạng thái vàng trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh. Điều này khiến tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2012 của ACB chỉ đạt 784 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, HĐQT ACB chỉ đề xuất mức cổ tức 685 đồng/cổ phiếu.

Năm 2013, ACB đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 6,86% vốn điều lệ bằng tiền mặt. Với thị giá cổ phiếu ACB đang xoay quanh 16.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức chỉ đạt hơn 4%, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 8%/năm hiện tại.

Đối với SHB, trong năm 2012, việc nhận sáp nhập Habubank khiến SHB chỉ đạt mức lãi khiêm tốn 26 tỷ đồng, nên không thực hiện chia cổ tức. Techcombank cũng không thực hiện chia cổ tức năm 2012. Một số ngân hàng khác có phương án chia cổ tức với tỷ lệ rất thấp như: Phương Nam , Mê Kông…

Mức cổ tức cao nhất mà ngành ngân hàng ghi nhận đến thời điểm này là 13,5% thuộc về Eximbank. Một số ngân hàng trả cổ tức 12%/năm gồm Vietcombank, MBBank...

Kế hoạch kinh doanh năm 2013 của một số NHTM

Ngân hàng

Vốn điều lệ

Tổng tài sản

Tăng trưởng huy động vốn

Tăng trưởng tín dụng

Lợi nhuận trước thuế

Tỷ lệ nợ xấu

Hệ số CAR

Tỷ lệ chia cổ tức

ACB

9.377

183.000

12%

12%

1.800

-

-

-

BIDV

28.205

-

13 - 16,5%

12 - 16,5%

4.720

<3%

-

8-9%

Eximbank

13.111

200.000

29%

15%

3.200

-

-

12%

MBB

15.000

191.800

10%

12%

3.523

<2,5%

-

-

Navibank

 

30.000

17,11%

23%

120

5%

-

-

Sacombank

16.418

172.000

16%

12%

2.800

<=3%

>9%

-

SHB

8.866

150.000

25%

12%

1.146

<=5%

8%

10 - 12%

Vietinbank

37.234

555.000

8%

12%

8.600

<3%

-

12%

Nguồn: tài liệu ĐHCĐ thường niên 2013. Đơn vị: tỷ đồng.