Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

BOJ cân nhắc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang cân nhắc khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trước phiên họp đánh giá chính sách vào ngày 6-7/9 tới, trong trường hợp đồng yen tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán Tokyo và tâm lý các nhà đầu tư.

Nếu BOJ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, thì rất có khả năng ngân hàng này sẽ lựa chọn giải pháp mở rộng nguồn ngân quỹ 50.000 tỷ yen (656 tỷ USD) hiện nay để mua các tài sản cá nhân và chính phủ.

 

Hai tuần trước, BOJ đã nới lỏng chính sách tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng yen nhằm xoa dịu tác động đối với lĩnh vực xuất khẩu của "đất nước Mặt Trời mọc," đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục động thái tương tự nếu triển vọng phục hồi kinh tế bị đe dọa.

 

Nguồn tin từ BOJ cho biết, ngân hàng này sẽ hành động nhanh chóng nếu cần thiết, trên cơ sở theo dõi sát sao các điều kiện kinh tế hiện nay.

 

Tuy nhiên trên thực tế, đợt nới lỏng chính sách tiền tệ đơn phương vừa qua vẫn không ngăn được các nhà đầu tư coi đồng yen như một thiên đường trú ẩn an toàn để đối phó với rủi ro và động thái này đã đẩy đồng yen tăng giá mạnh lên mức kỷ lục 75,95 yen/USD vào ngày 19/8.

 

Trong trường hợp đó, BOJ cũng không loại trừ khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu xuất hiện các hoạt động đầu cơ.

 

Tuy nhiên, hiệu quả của bất kỳ hành động đơn phương nào sẽ đều hạn chế, khi có rất ít khả năng các đối tác G7 khác đồng ý phối hợp với Nhật Bản để chặn đà tăng giá của đồng yen.

 

Về phần mình, nhiều công ty xuất khẩu Nhật Bản, vốn đã phải cắt giảm chi phí đề bù đắp cho những thiệt hại do đồng yen tăng giá, cho biết tỷ giá đồng yen/USD hiện nay đã vượt quá sức chịu đựng của họ.

 

Nhà sản xuất ôtô lớn nhất Nhật Bản Toyota Motor cho biết, đồng yen tăng giá so với USD khiến lợi nhuận hoạt động hàng năm của hãng bị sụt giảm tới 30 tỷ yen, trong khi Honda Motor đang tính tới khả năng di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài để bù đắp thiệt hại từ đồng yen tăng giá.

 

Mặc dù vậy, đồng yen mạnh cũng đem lại một số lợi ích như chi phí nhập khẩu thấp hơn hay các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài rẻ hơn./.