Nghị quyết 50/NQ-TW đã đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong lựa chọn các dự án FDI. Trong ảnh: Dự án Formosa tại Hà Tĩnh.

Nghị quyết 50/NQ-TW đã đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong lựa chọn các dự án FDI. Trong ảnh: Dự án Formosa tại Hà Tĩnh.

Bối rối “lọc” dự án FDI

Việt Nam đã có định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này. Nhưng quan trọng là làm sao “lọc” được các dự án tốt?

Xây dựng “bộ lọc” dự án đầu tư phần nhiều mang tính tự phát

Viện dẫn câu chuyện của LG, Bridgeston (hai nhà đầu tư này hiện đầu tư 6,7 tỷ USD tại Hải Phòng) và con số hơn 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng trong năm 2018, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, ở thành phố cảng, vốn ảo không phải là không có, nhưng ít. “Nếu các nhà đầu tư không đầu tư thật, thì Hải Phòng không thể có được kim ngạch xuất khẩu lớn như thế”, ông Thành lý giải.

Theo ông Thành, trong quá trình thu hút FDI thời gian qua, Hải Phòng đã xây dựng được “bộ lọc” để lựa chọn được các dự án FDI tốt, dự án nào nên thu hút, dự án nào nằm trong “vùng cấm”, vừa loại được dự án ảo, vừa chặn được dự án xấu.

Chính Hải Phòng hơn 1 năm trước đây đã từ chối một dự án sản xuất giấy của Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) do lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dù dự án này có quy mô không hề nhỏ, lên tới 800 triệu USD. Một con số mà ở vào thời điểm trước đây, bất cứ địa phương nào cũng “thèm muốn” có được.

Trên thực tế, Hải Phòng không phải là địa phương duy nhất làm được điều đó. Tỉnh Vĩnh Phúc cách đây chưa lâu cũng đã từ chối dự án dệt nhuộm 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông).

Và không chỉ là Vĩnh Phúc hay Hải Phòng, lần lượt các địa phương khác trên cả nước cũng đã nói “không” với các dự án gây ô nhiễm. Các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư đã được các địa phương ban hành. Gần đây nhất, Sóc Trăng vừa công bố bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã từng công bố, sẽ chỉ lựa chọn các nhà đầu tư có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải thực hiện ký quỹ đầu tư đảm bảo thực hiện dự án đầu tư theo quy định…

Tuy nhiên, trên thực tế, việc các địa phương xây dựng “bộ lọc” dự án đầu tư phần nhiều mang tính chất tự phát, ở tầm địa phương, chứ chưa mang tầm quốc gia. Thế nên, mới có chuyện dự án thép của hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Phật Sơn và Công ty Công nghệ kim loại Yongjin Triết Giang, công suất 250.000 tấn/năm, sau hai lần bị Đồng Nai từ chối cấp chứng nhận đầu tư do những lo ngại về nguồn cung dư thừa và nguy cơ ô nhiễm môi trường, lại được một địa phương khác hồ hởi gật đầu. Điều này khiến các nhà đầu tư khác khá ngạc nhiên và “bối rối”, các cơ quan quản lý cũng “bối rối” không kém.

Phải xây dựng “bộ lọc” mới

Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong hợp tác đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lựa chọn các dự án FDI, như lựa chọn các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, không gia hạn hoạt động dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

Chúng ta đang thiếu các định mức kinh tế, kỹ thuật ở tầm quốc gia, giúp các địa phương thực hiện quyền lựa chọn dự án một cách tốt nhất.

- GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài   

Nhưng để làm được điều đó, cần có quy chuẩn kinh tế, kỹ thuật. “Sau khi Nghị quyết được ban hành, phải xây dựng được các định mức kinh tế, kỹ thuật quốc gia, trong từng lĩnh vực, ví dụ dự án sắt thép phải thế nào, dự án bất động sản hay công nghiệp ra sao…, để không chỉ lựa chọn mà còn có căn cứ để sau này giám sát dự án được tốt hơn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright Việt Nam) cũng đã nhiều lần chia sẻ, để có động cơ đúng đắn trong thu hút FDI, cần phải đưa ra hệ thống chỉ tiêu đánh giá khác đi, ví dụ số lao động sử dụng trên số vốn bỏ ra, so với diện tích đất thuê, đóng góp ngân sách nhà nước bao nhiêu, thay vì như lâu nay chỉ quan tâm đến số vốn đầu tư bao nhiêu, vốn giải ngân thế nào…

“Xây dựng được các tiêu chí cụ thể, sẽ khuyến khích và lựa chọn được các nhà đầu tư bỏ vốn đúng vào những lĩnh vực mà Việt Nam cần”, ông Thành nói.

Trên thực tế, việc xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật quốc gia trong lựa chọn thu hút FDI không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Tháng 10 năm ngoái, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến việc sẽ xây dựng công cụ quản lý FDI bằng các chỉ số nhằm không chỉ phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp ưu đãi đầu tư, mà còn đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI.

Bộ chỉ số này, theo dự kiến, sẽ bao gồm suất đầu tư/diện tích đất sử dụng đối với một số dự án chiếm đất lớn; lao động/vốn đầu tư để xác định mức độ thâm dụng lao động; tỷ lệ đầu tư cho R&D/tổng vốn đầu tư; tỷ lệ đào tạo và sử dụng lao động có kỹ thuật, quản lý/tổng lao động; đầu tư cho bảo vệ môi trường/tổng vốn đầu tư…

Chưa kể, ở các cấp địa phương, trong quá trình thu hút và quản lý dòng vốn FDI, phải quan tâm tới các chỉ số như vốn thực hiện/vốn đăng ký; vốn đăng ký hoặc vốn thực hiện/chi phí xúc tiến đầu tư hàng năm; dự án triển khai hoạt động/tổng số dự án…

Nghị quyết 50/NQ-TW đã được ban hành. Bây giờ là lúc cần bắt tay vào việc cụ thể hóa “bộ lọc” này, để không còn tình trạng “bối rối” khi lựa chọn các dự án đầu tư nữa!

Tin bài liên quan