ông Phạm Phú Khôi
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường trái phiếu quốc tế, theo ông, đâu là điểm nghẽn khiến thị trường TPDN Việt Nam hiện kém phát triển?
Để bất kỳ thị trường nào phát triển đều cần có nhiều người bán và nhiều người mua với hàng hóa đa dạng, hệ thống luật pháp chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia.
Với thị trường TPDN Việt Nam, về phía người bán (tổ chức phát hành), trên thị trường đã có nhiều công ty lớn tham gia như các tập đoàn Masan, Vingroup, EVN, Vinacomin… Cùng với đó, nhiều DN mong muốn tiếp cận thị trường và họ đều nhận biết được những ưu việt của sản phẩm này.
Trong khi người bán đang chờ thời cơ để tăng tốc và nhập cuộc, thì điểm nghẽn nằm ở phía người mua. NĐT trên thị trường TPDN quốc tế rất đa dạng gồm: quỹ phúc lợi nhà nước (sovereign wealth fund), quỹ hưu trí (pension fund), quỹ đầu tư trái phiếu (fixed income fund), các quỹ của công ty bảo hiểm nhân thọ (life insurance fund management), các ngân hàng thương mại; NĐT cá nhân thông qua các ngân hàng phục vụ khách cao cấp (private banking). Các ngân hàng đầu tư vào TPCP chủ yếu cho mục đích trading, tạo lập thị trường, chứ không mua để đợi đến đáo hạn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, cho đến nay đại đa số các đợt phát hành TPDN đều được mua bởi ngân hàng thương mại (NHTM). Các quỹ đầu tư hiện còn đóng vai trò rất nhỏ. NĐT cá nhân chưa có cơ chế để tiếp cận thị trường TPDN. Các quỹ hưu trí tự nguyện chưa có trên thị trường. Quỹ bảo hiểm xã hội cũng chưa tham gia.
Về hàng hóa, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại TPDN hiện rất khó, do không có tổ chức định hạng tín nhiệm. Các NĐT phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng của mình, để từ đó xác định mức độ an toàn của trái phiếu trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ. Các NHTM đều mua cho sổ đầu tư (hold to maturity), không cho mục đích trading tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp, nên hầu như không có giao dịch thứ cấp.
Cách nào để khắc phục tình trạng NĐT trên thị trường TPDN quá đơn điệu, theo ông?
Đa dạng hóa NĐT cho thị trường TPDN là mục tiêu quan trọng, nhưng không dễ, do khẩu vị rủi ro khác biệt giữa các NĐT. Do đó cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng điều quan trọng là cần có cơ chế khuyến khích thông qua các chính sách miễn thuế, giảm phí để kích thích giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Một điểm yếu nữa đang gây khó cho thị trường TPDN như ông vừa chỉ ra là hiện chưa có công ty định hạng tín nhiệm. Thực ra, hành lang pháp lý cho tổ chức này ra đời đã có, nhưng vì sao việc hình thành đơn vị này lại chậm đến vậy, phải chăng không khả thi, thưa ông?
Sự chậm trễ là do chưa có chế tài để đảm bảo cho công ty này có thể hoạt động hiệu quả. Muốn thị trường phát triển, cần có ngay tổ chức định hạng tín nhiệm, đồng thời phải có chế tài buộc tất cả các đợt phát hành TPDN phải được tổ chức định hạng tín nhiệm đánh giá thì mới được phát hành.
Từ đó, giúp NĐT nhận dạng rủi ro chuẩn xác. Nếu không có chế tài này, chắc chắn công ty định hạng tín nhiệm sẽ không thể hoạt động được do không có nguồn thu nhập. Nếu mọi TPDN đều được định hạng tín nhiệm và có báo cáo về độ rủi ro thông qua hệ thống chỉ số an toàn tài chính, chắc chắn sẽ góp phần tăng đối tượng tham gia đầu tư, tăng giao dịch cả sơ cấp và thứ cấp.
Tôi được biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang tích cực đẩy nhanh việc thống nhất cơ chế hoạt động, cũng như thành phần tham gia đầu tư để thúc đẩy tổ chức định hạng tín nhiệm ra đời.
Mới đây, Bộ Tài chính đã chia sẻ dữ liệu về TPDN cho VBMA để công khai trên website của VBMA, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thông tin này chậm, không đầy đủ, vì chỉ có thông tin phát hành sơ cấp, không có thông tin thứ cấp, hơn nữa 1 tháng/lần Bộ Tài chính mới gửi dữ liệu cho VBMA. Theo ông điều này cần khắc phục ra sao?
Chậm trễ thông tin là điểm yếu của thị trường TPDN Việt Nam, do phần lớn các đợt phát hành đều là riêng lẻ (private placement) nên tổ chức phát hành không có nghĩa vụ phải công bố thông tin.
Cho đến khi mọi đợt phát hành đều phải có định hạng tín nhiệm và tổ chức định hạng tín nhiệm phải công bố báo cáo, thì lúc đó thông qua tổ chức này, các thành viên thị trường sẽ biết kết quả phát hành sơ cấp ngay sau khi phát hành. Hiện các TPDN hầu như không giao dịch thứ cấp, nên không có thông tin là dễ hiểu.
Nhà quản lý cần làm gì thêm để thúc đẩy thị trường TPDN phát triển chuyên nghiệp, sôi động, thưa ông?
Các NĐT đều mong muốn có thị trường đầy đủ thông tin; giao dịch nhanh chóng, an toàn, đồng thời có các công cụ để phòng ngừa rủi ro. Việc phát triển thị trường phái sinh (bond future) đang được tiến hành nhưng rất chậm, nên cần thúc đẩy để sớm đưa sản phẩm này ra thị trường, qua đó giúp NĐT có công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất.