Thưa bà, Bộ Y tế đang có kế hoạch đầu tư mạnh cho hệ thống khám chữa bệnh. Việc triển khai cụ thể ra sao?
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành y tế năm 2014 đã được thực hiện rất quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đầu tư 20.000 tỷ đồng để xây dựng các bệnh viện Trung ương và tuyến cuối giai đoạn 2014-2017.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến cuối đặt tại TP.HCM”, đến cuối năm 2016, sẽ có 5 bệnh viện mới với 4.500 giường bệnh sẽ được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang hỗ trợ Việt Nam và có kế hoạch đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là bệnh viện có quy mô tầm cỡ quốc tế, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều bệnh viện đã được đầu tư cải tạo, mở rộng hoặc xây mới, nhờ đó người bệnh đã được sử dụng các buồng bệnh mới được đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, khang trang hơn. Công suất sử dụng giường bệnh của hầu hết bệnh viện tuyến huyện đều tăng 30% so với trước đây. Nhiều bệnh viện đã thực hiện được trên 80% số kỹ thuật phân tuyến cho huyện, quản lý các bệnh mãn tính tại địa bàn, góp phần đưa dịch vụ y tế về gần dân, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn cư trú.
Tình trạng quá tải bệnh viện đã được khắc phục ra sao, thưa Bộ trưởng?
Nhờ triển khai quyết liệt, đồng loạt các biện pháp chống quá tải bệnh viện, đặc biệt là các giải pháp tăng số giường bệnh, đến nay, tỷ lệ giường bệnh thực kê trên 1 vạn dân là 28,1, tăng 3,4 giường so với năm 2012. Tại 36 bệnh viện tuyến Trung ương, tổng số bệnh viện thực kê tăng 4.800 giường, chưa kể một số bệnh viện khác đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì trong năm 2015, số giường bệnh tuyến Trung ương sẽ tăng thêm ít nhất 1.500 giường bệnh.
Đặc biệt, 2/3 các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã và đang thực hiện cam kết giảm quá tải, nằm ghép. Cụ thể, Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… đã giảm tỷ lệ số giường phải nằm ghép từ 60 - 70% trước đây xuống còn 6 - 7% hiện nay.
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo văn bản mới về đấu thầu thuốc. Vậy giá thuốc sẽ được kiểm soát như thế nào?
Thời gian qua, ngành y tế đã cung cấp đầy đủ các loại thuốc có chất lượng phục vụ cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Chúng tôi đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm được rất nhiều thời gian trong việc cấp phép lưu hành thuốc, cũng như ổn định giá thuốc. Tốc độ tăng giá thuốc trong năm qua thấp hơn tốc độ tăng giá chung của chỉ số giá cả hàng tiêu dùng.
Việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thuốc đạt chất lượng với giá hợp lý. Giá thuốc trúng thầu theo phương thức mới đã giảm 25-30%.
Để làm tốt hơn công tác đấu thầu thuốc, chúng tôi đang xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu. Trong đó, nghiên cứu đưa vào thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở một số mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Tương tự, trang thiết bị cũng sẽ được xây dựng các cơ chế hướng tới minh bạch, hiệu quả. Cùng với việc thực thi đấu thầu tập trung thuốc, chúng tôi cũng sẽ thực hiện công khai đấu thầu trang thiết bị y tế.
Được biết, Bộ Y tế đang triển khai những bước cải cách khá thông thoáng trong việc liên kết công - tư, nhằm thu hút vốn tư nhân đầu tư phát triển y tế kỹ thuật cao…
Cuối năm 2014, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP về một số cơ chế chính sách phát triển y tế. Theo đó, các đơn vị y tế được đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ y tế chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến.
Thực hiện chủ trương này, việc liên kết công - tư trong lĩnh vực y tế có thể thực hiện một cách linh hoạt.