Trong 2 phiên hôm qua (26/2) và hôm nay (27/2), VGC đang tăng giá mạnh, hiện đạt 22.000 đồng/CP. Trước thềm thoái vốn nhà nước, động thái được chú ý nhất là quỹ ngoại bán ra mạnh.
Phiên 26/2, quỹ ngoại bán ra 27,75 triệu đơn vị cổ phiếu VGC, tương ứng tổng giá trị lên tới 592,58 tỷ đồng. Phiên sáng 27/2, họ bán tiếp ròng hơn 16,9 triệu cổ phiếu, trị giá 368,78 tỷ đồng. Phương thức thực hiện là thỏa thuận, bên mua là nhà đầu tư nội.
Một nguồn tin từ Bộ Xây dựng cho biết, trước thềm đợt thoái vốn này, có 2 luồng ý kiến đưa ra, một quan điểm muốn thoái toàn bộ lô cổ phần 54% vốn nhà nước tại VGC tương tự như Nhà nước đã thoái vốn tại Vinaconex, quan điểm khác là chia thành 2 đợt.
Phương án cuối cùng là chia thành 2 đợt thoái vốn, cộng với động thái có nhà đầu tư nội mua thỏa thuận cổ phần từ quỹ ngoại tới gần 700 tỷ đồng trước thềm thoái vốn, khiến giới phân tích cho rằng, đợt thoái vốn này, nhiều khả năng đã có nhà đầu tư “đặt gạch”, quan tâm mua cổ phần lượng lớn và tiến tới thâu tóm Viglacera.
Trong báo cáo mới đây, CTCK HSC dự báo năm 2019, doanh thu của Viglacera tăng trưởng 9,5% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 10%. Triển vọng dài hạn không đồng đều với mảng vật liệu xây dựng, gồm kính xây dựng, gạch ốp lát và gạch xây dựng chịu áp lực từ cạnh tranh gia tăng.
Trái lại, mảng thiết bị vệ sinh vẫn là điểm sáng, với nhà máy Mỹ Xuân dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức từ năm 2019, giúp tăng tổng công suất thêm 43%.
Doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp tăng và ổn định với 2 khu công nghiệp mới đi vào khai thác sẽ giúp nâng diện tích đất thương phẩm thêm 30,8%. Đồng thời, sau khi chuyển nhượng một số khoản đầu tư không hiệu quả tại các công ty con và công ty liên kết, lợi nhuận của công ty sẽ được cải thiện.
Năm 2018, Viglacera đạt doanh thu thuần 8.984 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 843 tỷ đồng.
Trước dịp nghỉ Tết, Viglacera công bố sẽ chuyển sàn sang HOSE vào trung tuần tháng 2 (tức sau Tết Kỷ Hợi). Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thực hiện.