Bùng nổ các dự án điện mặt trời khi lưới truyền tải không đồng bộ đang gây lãng phí nguồn vốn của xã hội

Bùng nổ các dự án điện mặt trời khi lưới truyền tải không đồng bộ đang gây lãng phí nguồn vốn của xã hội

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng thực hiện các dự án điện mặt trời

Với hơn 300 dự án điện mặt trời được đăng ký từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg quy định mức giá mua điện là 9,35 UScent/kWh vào tháng 4/2017 tới cuối năm 2018, việc phá vỡ Quy hoạch Phát triển Điện VII, hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này hay trách nhiệm của Bộ Công thương ra sao, đã được rất nhiều các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Đặt câu hỏi “Quy hoạch Điện VII có ý nghĩa gì khi công suất điện mặt trời dự tính là 850 MW cho năm 2020 và 1.200 MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ, khi công suất hiện tại đã lên tới 7.230 MW vượt 9 lần so với quy hoạch ban đầu và sẽ còn tăng thêm 2.186 MW giai đoạn 2020-2030 và hiện nay có 121 dự án đã được cấp phép và còn 210 dự án đang chờ phê duyệt”, ĐB Lê Thu Hà cũng cho rằng mức giá 9,35 UScent/kWh trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác.

Có lẽ cũng bởi sự hấp dẫn của mức giá mua điện mặt trời này nên cạnh sự đổ bộ của các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân vào làm điện mặt trời mà đã tạo ra thiếu đồng bộ giữa phát triển quá nóng, mất cân đối với hạ tầng, buộc các dự án phải cắt giảm công suất đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo.

Cũng bức xúc với sự đổ bộ vào làm điện mặt trời, đại biểu Đôn Tuấn Phong đã thẳng thắn hỏi về “quy trình, thủ tục xây dựng, phê duyệt và bổ sung quy hoạch năng lượng sạch thời gian vừa qua đã đủ rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư hay chưa?”.

Gay gắt hơn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đã nhắc tới “trách nhiệm của Bộ trưởng khi phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng 87 nhà máy điện mặt trời hiện đã vận hành” khi đặt câu hỏi “Trước khi ký, Bộ trưởng có nghe Tập đoàn Điện lực (EVN) báo cáo khả năng quá tải của đường truyền tải này hay không?”.

Nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo trước đầy đủ, kịp thời để có những đối sách và có những biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng để đảm bảo giải tỏa công suất và không để gây ra thiệt hại cho xã hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có lý giải, khi ban hành cơ chế Quyết định 11 của Thủ tướng chúng ta cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020.

Mức mua điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh chỉ được áp dụng cho các Dự án điện mặt trời được công nhận đủ điều kiện vận hành thương mại trước đngày 30/6/2019. Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có mức giá mới cho các dự án điện mặt trời.    

“Chính vì vậy điện mặt trời và điện tái tạo, trong đó có cả điện gió được coi là những nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng được các yêu cầu của phát triển. Tính đến hết ngày 30/6/2019, tức là khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực, đã có tới gần 4.900MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành, đóng góp một nguồn rất lớn cho việc bổ sung nguồn điện trong năm 2019”.

Dẫu vậy, số liệu thống kê mới nhất từ hệ thống điện lại cho thấy, trong tổng sản lượng điện khoảng 200 tỷ kWh được sản xuất từ đầu năm tới hết tháng 10/2019, phần đóng góp của điện mặt trời mới chỉ là 3,517 tỷ kWh, tức là mới chiếm 1,5% tổng sản lượng của cả hệ thống.

Cũng lý giải về trách nhiệm của Bộ Công thương trong đánh giá năng lực các nhà đầu tư và bổ sung các dự án điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện Bộ trưởng Tuấn Anh cho hay, sau Quyết định 11, Bộ Công thương có Thông tư 16 về phê chuẩn các dự án điện mặt trời đã có những nguyên tắc và tiêu chí rất cơ bản.

Đó là, phải có ý kiến thẩm định của địa phương liên quan đến sử dụng đất trong các dự án điện mặt trời và điện tái tạo này; phải có ý kiến xác nhận của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác nhận về khả năng đấu nối và phương án đấu nối cho các dự án và đánh giá về năng lực của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này và một số các tiêu chí kỹ thuật.

“Trong thời gian vừa qua thật sự có sự lúng túng và bất cập trong việc phối hợp tổ chức giữa các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực cũng như các địa phương. Chính vì vậy, tại diễn đàn tôi xin nhìn nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo trước đầy đủ, kịp thời để có những đối sách và có những biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng để đảm bảo giải tỏa công suất và không để gây ra thiệt hại cho xã hội”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lại khá lạc quan khi đề cập tới việc bổ sung thêm lượng lớn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện để đối phó với câu chuyện thiếu điện của năm 2020 và sau đó.

Cụ thể theo Bộ trưởng, căn cứ trên thực tế đánh giá và có nguy cơ thiếu điện Bộ này đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng và Phó thủ tướng cũng đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện, cũng như về phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung của điện mặt trời và điện gió với phương án thấp có thể phải bổ sung thêm khoảng 6.000MW điện mặt trời, cũng như khoảng 15.000MW điện gió.

“Nếu phương án cao thiếu trầm trọng mà thủy điện không thể đảm bảo huy động đủ thì chúng ta sẽ phải huy động cao hơn trong việc cấp phép cho các dự án điện mặt trời, đặc biệt tại các khu vực có phụ tải cao, như ở khu vực Tây Nam Bộ và các vùng công nghiệp ở miền Đông để làm sao điện mặt trời có thể huy động được tới 8.000 MW và điện gió có thể lên tới 3.000 MW”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Tin bài liên quan