Thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt, quan điểm của Bộ là không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10.
Thưa Bộ trưởng, bên cạnh biến đổi khí hậu cực đoan, thì cũng có ý kiến cho rằng, thiên tai lũ lụt xảy ra ở miền Trung có tác động từ hệ thống thuỷ điện. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Thiên tai xảy ra tại miền Trung mới đây là tổ hợp các loại hình thiên tai do thời tiết và biến đổi khí hậu cực đoan. Tất cả các chỉ số cho thấy đều vượt lũ lịch sử, vượt chỉ số cảnh báo lịch sử. Đây là hình thái mang tính chất cực đoan, nhiều tổ hợp thiên tai cùng lúc.
Còn về thủy điện, việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện phụ thuộc vào thiết kế mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong quản lý vận hành.
Với thuỷ điện lớn, bài toán cắt lũ được giải quyết tốt, giúp điều tiết nước để cung cấp nước cho hạ du. Còn thuỷ điện nhỏ không có chức năng này, nhưng khi đi vào vận hành phải tuân thủ quy chế đảm bảo an toàn.
Phát triển thuỷ điện bao giờ cũng có hai mặt. Quan điểm của Bộ Tài nguyên Môi trường là không nên khuyến khích phát triển thuỷ điện nhỏ bằng mọi giá.
Quốc hội khoá XIII đã yêu cầu rà soát, đưa hơn 400 dự án thuỷ điện nhỏ ra khỏi quy hoạch. Vì vậy, trong thời gian tới cần hết sức thận trọng trong cấp phép thuỷ điện nhỏ.
Nhưng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang tính toán đưa thuỷ điện nhỏ vào quy hoạch, thưa ông?
Có nguyên tắc để xác định mục tiêu trong vận hành thuỷ điện. Đó là phát điện và giải quyết điều tiết nước trong mùa khô hạn.
Các thuỷ điện phải tính đến tính an toàn, từng hồ phải đánh giá tác động tích luỹ và vận hành an toàn của các hồ.
Như tôi đã nói, chúng ta đã rà soát và loại hơn 400 thuỷ điện nhỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không nên phát triển thuỷ điện nhỏ. Còn khi phát triển các loại thuỷ điện thì cần chú ý phương án công nghệ để hài hòa môi trường.
Ví dụ không làm các đập dâng, sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên, tức là công suất quy mô từng nhà máy thì nhỏ, nhưng công suất toàn bộ trên hệ thống trên sông vẫn đáp ứng được yêu cầu chung. Như vậy, chi phí đầu tư sẽ tăng nhưng tính bền vững lâu dài hơn.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn các công nghệ liên quan đến môi trường, dòng chảy, dòng đi của cá, bùn và phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có đập thuỷ điện.
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua cuối kỳ họp này đã quy định thế nào để tăng cường quản lý và siết chặt đánh giá tác động đến môi trường với các dự án có thể tác động tiêu cực đến môi trường, thưa Bộ trưởng?
Quản lý môi trường dựa trên tiêu chí là chất thải ra môi trường và dự án đó tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Nếu dự án có chất thải quy mô lớn thì khoanh lại quản lý cụ thể, thực chất hơn.
Còn dự án không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn thì hậu kiểm thay vì kiểm soát tất cả. Nhân lực và vật lực hết sức hạn chế nên cần quản lý đối tượng tiềm năng ô nhiễm cao, công cụ quản lý thực chất.
Quy định tại dự thảo luật cũng hướng về tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính không thực chất với dự án thân thiện môi trường, đơn giản thủ tục và ít chi phí tuân thủ nhất.