Bộ trưởng Tài chính: “Chứng khoán vẫn ở tuổi thiếu niên”

Bộ trưởng Tài chính: “Chứng khoán vẫn ở tuổi thiếu niên”

Với hơn 11 năm phát triển, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, TTCK vẫn đang ở độ tuổi cần được chăm sóc, giám sát kỹ lưỡng.

Gác lại chuyến công tác nước ngoài, tranh thủ dự nhanh cuộc họp của ban Cán sự Đảng để dự buổi Hội nghị phát triển thị trường 2012 cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ khẳng định sự quan tâm đặc biệt của cá nhân cũng như Chính phủ tới chứng khoán.

 

“Quan điểm của Chính phủ coi chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định. Tuy vậy, ông cũng cho rằng là một kênh đầu tư có rủi ro tương đối cao đối với nhà đầu tư, Chính phủ và Bộ Tài chính chủ trương không phát triển thị trường chứng khoán bằng mọi giá. Theo đó, mục tiêu phát triển một cách hiệu quả và lành mạnh, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư cần được nhấn mạnh.

 

“Chứng khoán mới bước qua tuổi 11, sang năm thứ 12, tức là xấp xỉ tuổi con gái tôi. Như vậy là mới ở giai đoạn đầu phát triển. Ở tuổi đấy vẫn cần phải chăm lo, giám sát nhiều lắm”, người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng các điều kiện để giảm lãi suất sắp đến lúc chín muồi

 

Theo Bộ trưởng Huệ, việc Thủ tướng liên tiếp trong những ngày qua ký liền 3 văn bản chỉ đạo phát triển thị trường chứng khoán cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính sẽ chủ trì và tạo mọi điều kiện cho chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững.

 

Cụ thể, Bộ trưởng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư nước ngoài, vốn đang có dấu hiệu trở lại với chứng khoán. Bộ cũng sẽ triển khai mạnh mẽ hơn nữa đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, tạo cú huých cho thị trường. “Sau BIDV, đến tháng 9 này sẽ có thêm Tập đoàn Dệt may tiến hành IPO. Các doanh nghiệp lớn khác cũng sẽ có lộ trình”, Bộ trưởng thông báo.

 

Liên quan đến hàng hóa trên thị trường, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định cần nâng chuẩn niêm yết để đảm bảo các cổ phiếu lên sàn có chất lượng cao. Ông cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán và các hiệp hội liên quan tích cực tham gia ý kiến, xây dựng các sản phẩm mới, sản phẩm phái sinh với tiêu chí an toàn và hiệu quả.

 

Song song với việc tái cấu trúc thị trường, Bộ trưởng cho rằng Bộ Tài chính sẽ tích cực hơn nữa trong việc xây dựng đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tiến hành xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp. Hoạt động này sẽ tao điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành được trái phiếu ra thị trường trong nước cũng như quốc tế.

 

Về thanh toán T+2, Bộ trưởng Huệ cho rằng hiện vướng mắc lớn nhất ở khâu kỹ thuật, hệ thống công nghệ là hoàn toàn có thể khắc phục. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng vào thời điểm này chưa mang lại nhiều ý nghĩa về mặt thanh khoản. Bên cạnh đó, thực tế các thị trường phát triển trên thế giới cũng không quá chú trọng tới việc phát triển hệ thống thanh toán này. “Đương nhiên, hoàn thiện công nghệ, cải tiến hệ thống vẫn là việc cần làm”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Một trong những vấn đề Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ đạo ngành chứng khoán “phải làm ngay”, “khó cũng phải làm” là tách bạch tài khoản giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Theo đó, đây là yếu tố kiên quyết cần thực hiện để tránh những hệ lụy trong quan hệ giữa môi giới và nhà đầu tư, vốn phát sinh nhiều bất cập thời gian qua.

 

Cũng theo Bộ trưởng, việc giảm số lượng công ty chứng khoán là cần thiết. Tuy nhiên, không nên đặt ra một mục tiêu về số lượng cụ thể. “Hiện có hơn 100 công ty chứng khoán. Không thể cắt bỏ một cách máy móc xuống 50 hay 25. Nhưng chắc chắn sẽ có sàng lọc mà tiêu chí là chất lượng chứ không phải quy mô”, Bộ trưởng cho biết.

 

Đối với giám sát thị trường, Bộ trưởng đề nghị làm nghiêm hơn nữa các quy chế, có thể phối hợp với cơ quan an ninh, điều tra xử lý mạnh tay với các trường hợp gian lận, thao túng giá. Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính cũng đề nghị “có phạt thì phải có thưởng” để động viên các doanh nghiệp, cá nhân làm tốt.

 

Về phần Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ hứa sẽ rà soát lại chính sách thuế đối với chứng khoán, xem xét các đề nghị giảm thuế trong khuôn khổ pháp luật và cân đối ngân sách cho phép. Quan trọng hơn, Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, qua đó gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, góp phần giảm lãi suất.

 

“CPI 2 tháng đầu năm chỉ tăng 2,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thanh khoản của ngân hàng cũng đã được cải thiện, tỷ giá ổn định trong khi các tổ chức quốc tế cũng bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn về Việt Nam. Tôi thấy các điều kiện để giảm lãi suất cũng sắp đến lúc chín muồi”, Bộ trưởng nhận định.