Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "hứa" đường sắt đô thị không tiếp tục đội vốn, chậm trễ

0:00 / 0:00
0:00

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết đã rút ra nhiều bài học qua các dự án đường sắt đô thị, trong đó có dự án Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể hồi âm ý kiến đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể hồi âm ý kiến đại biểu Quốc hội.

Hồi âm ý kiến đại biểu về các đại vấn đề của đường sắt đô thị ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong phiên thảo luận sáng 3/11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Văn Thể "hứa" sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và không lặp lại hiện tượng như các dự án cũ.

Như Baodautu.vn đã thông tin, đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh chủ trương xây dựng đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn nhất cả nước được xem là cứu cánh. Song, những dự án ở cả 2 thành phố đều có mẫu số chung là rất lớn, chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc của đường sắt Cát Linh - Hà Đông giúp dự án vận hành vào cuối năm nay, không để lỡ hẹn lần thứ 9 với nhân dân nữa.

Bộ trưởng Thể khẳng định đường sắt đô thị là phương tiện giao thông hiện đại tránh ùn tắc hiệu quả. Ông cho biết, thời gian qua cả Bộ và hai thành phố đã làm chủ đầu tư nhiều dự án như đại biểu nêu nhưng đã bộc lộ yếu kém như chậm tiến độ, đội vốn.

Chính phủ đã họp rất nhiều, Bộ và hai địa phương cũng thế, đã rút ra bài học hết sức sâu sắc về quy hoạch, về chuẩn bị đầu tư, chọn nhà đầu tư, đối tác, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tốt để tránh điều chỉnh giá - Bộ trưởng trình bày và cho biết sẽ tham mưu để không lặp lại các hạn chế đại biểu nêu. Ông Thể tái khẳng địnhđường sắt đô thị là hướng đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông.

Với giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phản ánh, hơn 10 năm qua, phát triển hạ tầng giao thông khu vực này quá chậm và khiêm tốn. Hiện khu vực này mới có 41 km cao tốc TP HCM - Trung Lương, đang làm thêm 52 km Trung Lương - Mỹ Thuận và 23 km Mỹ Thuận - Cần Thơ. Khi hoàn thành, cả vùng chỉ có 115 km đường cao tốc, quá ít so với đóng góp 13% GDP cả nước.

Bộ trưởng Thể nhấn mạnh đây là vấn đề được đại biểu nêu ở nhiều kỳ họp Quốc hội và Chính phủ cũng họp rất nhiều.

Ông Thể cho biết, trong nhiệm kỳ tới trên cơ sở đánh giá những hạn chế, yếu kém về giao thông của các vùng, miền đã đưa ra nghiên cứu 7 đường cao tốc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, sẽ lựa chọn những đoạn tuyến quan trọng để đầu tư trước.

Theo đó, hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ từ hơn 40km cao tốc hiện nay đến 2025 tăng lên hơn 300km, nghĩa là đầu tư thêm hơn 200km. Trong đó gồm có tuyến Trung Lương Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ làm Quốc lộ 30 kết nối TP.HCM - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau.

Đây là quyết tâm lớn của Chính phủ, mong đại biểu ủng hộ để khu vực này phát triển tốt hơn - ông Thể nói.

Ngoài hai vấn đề trên, về xây dựng cơ bản, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, và năm 2020 đã đạt được kết quả tốt nhất 5 năm qua, đến 30/10/2020 đã giải ngân được 60% tổng vốn, riêng ngành giao thông đã giải ngân được 29/40 ngàn tỷ, cao hơn bình quân cả nước.

Tin bài liên quan