Đến thăm mô hình trồng Sâm Bố Chính tại xã Gio An, huyện Gio Linh. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo dám nghỉ dám làm của nhóm hộ đã liên kết sản xuất trên diện tích 3 ha được triển khai từ đầu năm 2019 với số vốn 1,6 tỷ đồng.
Mới gần nữa năm nhưng mô hình trồng Sâm Bố Chính đã sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với khi hậu và thổ nhưỡng trên vùng đất Tây Gio Linh. Dự kiến sau 1 năm thu hoạch, loại cây này cho lãi ròng từ 250-300 triệu/ha, năm thứ hai lãi ròng từ 350- 400 triệu đồng/ha. Việc xây dựng mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố chính sẽ mở ra một triển vọng rất lớn cho nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến cũng như mô hình du lịch nông nghiệp địa phương phát triển. Hiện tại đã có doanh nghiệp ở địa phương ký kết bao tiêu sản phẩm, chế biến các thức uống từ loại cây dược liệu này.
Tại chuyến kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Trị hết sức quan tâm không chỉ dừng lại ở mô hình mà cần nhân rộng ra trên địa bàn. Trước mắt phối hợp với các Viện nghiên cứu, ngành Khoa học - Công nghệ để nghiên cứu về giá trị của loại cây dược liệu. Xây dựng mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế. Bộ KH&ĐT hoàn toàn ủng hộ để thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của nhóm hộ nông dân tại Gio Linh trong phát triển nông nghiệp.
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đến kiểm tra mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh.
Cùng với Sâm Bố Chính, phát triển mô hình nuôi tôm giống cũng được tỉnh Quảng Trị quan tâm. Năm 2019, theo kế hoạch diện tích nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị là 1.260 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng 850 ha, tôm sú 400 ha, tập trung các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và TP.Đông Hà. Năm 2018, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú ở địa phương đạt 1.248 ha.
Hiện tỉnh Quảng Trị đang thực hiện nhiều mô hình ương tôm giống để nuôi hai giai đoạn, nhằm tạo ra nguồn tôm giống sạch bệnh. Thời gian đầu, tôm giống được nuôi trong bể nhỏ để chăm sóc quản lý. Sau 25-30 ngày tuổi, tôm ương được kiểm tra mầm bệnh, nếu đạt yêu cầu sẽ được thả ra ao nuôi, nếu có mầm bệnh được xử lý loại bỏ. Điều này sẽ hạn chế được rủi ro khi nuôi thương phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, nuôi tôm đang là lĩnh vực cho năng suất, hiệu quả cao, với lợi thế của địa phương ven biển, tỉnh cần quan tâm phát triển diện tích, hỗ trợ người nuôi tôm về khoa học công nghệ, áp dụng các mô hình công nghệ mới vào sản xuất như tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, phòng ngừa dịch bệnh, phấn đấu ngành nuôi tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và đoàn công tác đã đến thăm khảo sát hệ thống di tích giếng cổ Gio An (Gio Linh). Với một hệ thống giếng cổ độc đáo đã có từ hàng nghìn năm, hiện nay tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu để xuất với Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành trung ương để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.