Đánh giá trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP, đây là một Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, qua công tác theo dõi, báo cáo đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu nhiều giải pháp cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đáng chú ý như: trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư; Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2030; biên soạn và công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019...
Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành nhiều báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, với hệ thống biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh theo hướng rõ ràng, minh bạch, thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh...
Đặc biệt, về đổi mới hoạt động quản lý doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã hoàn thành nhiều báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2018; thực hiện Nghị Quyết số 97/NQ-CP về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tổng hợp tình hình thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước năm 2018...
Đồng thời, chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Hiện Bộ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện danh mục thoái vốn và cổ phần hóa theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 và Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về đăng ký doanh nghiệp, Bộ đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, với hệ thống biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh được sửa đổi phù hợp những quy định mới của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP theo hướng rõ ràng, minh bạch, thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh.
"Những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp đã khuyến khích tinh thần khởi sự kinh doanh, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước“, Bộ trưởng nêu rõ.
Cụ thể, thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có 66.958 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 860.195 tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2018, đây là kết quả khả quan.
Về hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Trên cơ sở đánh giá kết quả của 30 năm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, chính Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Trong đó, bám sát định hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với nhiều giải pháp mạnh mẽ như: xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động; xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh.
Bên cạnh đó, nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới; ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra; ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết; ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng; tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,...
Ngoài ra, Bộ đã triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ giàu tiềm năng, lợi thế và hỗ trợ các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tin tưởng, được các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ủng hộ tích cực.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, định hướng công tác thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới đặc biệt lưu ý việc thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài cần chú trọng công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cần chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng của địa phương.
“Thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại; Kiên quyết chấm dứt tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, nâng khống giá trị máy móc thiết bị.
Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm toán tổng mức đầu tư, định giá tài sản hình thành sau đầu tư, giám định độc lập về giá, chất lượng máy móc, thiết bị, thẩm định giá công nghệ; ngăn ngừa, xử lý các vi phạm về môi trường....”, bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo.
Đồng thời, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc lại, những địa phương khó khăn vẫn có thể thu hút dự án thâm dụng lao động nhưng phải bảo đảm các yếu tố về công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng; thận trọng trong việc đưa ra các cam kết, ưu đãi; chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai; tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ đầu tư, cải thiện và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đảm bảo sự liên thông và tổ chức thực thi hiệu quả của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.