Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 diễn ra sáng nay, 25/11.
Với Chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số", đây là năm thứ hai diễn đàn được tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Diễn đàn nhằm phản ánh những đổi mới công nghệ, những chuyển động thị trường kinh tế số trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020. Diễn đàn sẽ có những trao đổi thẳng thắn, các đề xuất cụ thể để đại diện Chính phủ lắng nghe và tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới. Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.
Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến…
Về bối cảnh vĩ mô, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nước và được đánh giá rất cao bởi cộng đồng quốc tế. IMF dự đoán Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong nhóm các nước Đông Nam Á năm 2020.
Về dài hạn, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương đổi mới, cải cách và phát triển, chủ động và tích cực cơ cấu lại nền kinh tế hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đổi mới, sáng tạo là một động lực quan trọng, là chìa khóa của tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Hiện đang Bộ đang chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định hai trụ cột quan trọng tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. Đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người. Dự thảo Chiến lược cũng đã xác định định hướng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số...
Trong năm 2019, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Bước sang năm 2020, Bộ tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 94 về các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù cho Trung tâm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm. Trung tâm được bố trí cơ sở hoạt động tại Hoà Lạc và Hà Nội. Tại Hoà Lạc, Trung tâm dự kiến xây dựng cơ sở với tổng diện tích sử dụng 35.000 m2 sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ.
Toàn cảnh Vietnam Venture Summit 2020 (Ảnh: Đức Trung/MPI) |
Tại Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giới thiệu một sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo. Đó là cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, cụ thể: những doanh nghiệp khởi nghiệp được các Quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các doanh nghiệp được Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94. “Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Song song với việc triển khai về cơ chế chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Cho đến nay, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các Mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải chuyển đổi số ngay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, Bộ đã xây dựng chương trình với tham vọng làm sao để 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được chuyển sổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.
“Như vậy, bằng việc triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực, cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện ba cam kết đưa ra tại Diễn đàn năm 2019, đó là: cam kết tiếp tục duy trì trao đổi và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; cam kết thiết lập cơ chế chính sách ưu đãi thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cam kết huy động và kết hợp mọi nguồn lực để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp”, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thực sự “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19.