Thông điệp trên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và Triển khai công tác năm 2016 diễn ra ngày 4/8. Bộ trưởng đã yêu cầu các cán bộ viên chức của Bộ Kế hoạch Đầu tư phải nhanh chóng thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, cách thực thi nhiệm vụ.
“Chúng ta không thể hài lòng với mỗi việc, mỗi ngày sáng tạo hơn một chút mà hãy hỏi rằng đất nước và nền kinh tế đã phát triển tương xứng với tiềm năng chưa? Thế giới đang phát triển với tốc độ vũ bão, bởi vậy chúng ta cần suy nghĩ, học hỏi, đi nhanh hơn, tốt hơn và làm được nhiều hơn thế. Mỗi người không thể bằng lòng với kết quả thường thường bậc trung”, Bộ trưởng trải lòng.
Tầm nhìn chiến lược
Dẫn lại thông điệp trong cuốn sách “Tầm nhìn thay đổi quốc gia” của Quốc vương Dubai, trong đó đề cập rằng, yếu tố cốt lõi thay đổi sức mạnh của một quốc gia là tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi, vậy tầm nhìn chiến lược của chúng ta trong giai đoạn mới là gì? Tại sao tốc độ phát triển của Việt Nam dưới tiềm năng, làm sao cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để người dân được thụ hưởng tương xứng với thành quả phát triển của đất nước? “Nhiều người đã đặt ra câu hỏi với tôi, trong những năm tới, nhiệm kỳ tới, với lãnh đạo mới, nhân tố mới, sẽ có gì thay đổi?”
Bộ trưởng đã chia sẻ quan điểm, cần phải có đột phá trong phát triển, cần chiến lược tầm nhìn dài hạn hơn, tham vọng phát triển lớn lao hơn. Tư duy này không chỉ cần với các cơ quan tạo lập chính sách mà còn cần đối với mọi công chức, doanh nghiệp. Ông dẫn lại một ví dụ về tạo cung để có cầu. Khi Dubai xây dựng những khách sạn 7 sao, trong đó có những phòng nghỉ với giá 10.000 USD/đêm, phòng tổng thống 20.000 - 25.000 USD/đêm, có rất nhiều ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả với những câu hỏi ai thuê, ai ở? Nay muốn thuê phòng ở những khách sạn đó cần phải đặt trước 6 tháng. Một đất nước có 4 triệu dân, mà họ dám xây sân bay đón 90 triệu khách và tiếp tục xây dựng sân bay mới với khả năng đón 200 triệu khách/năm. Họ đã nghĩ khác, làm khác, tạo cung để hình thành cầu.
Nền kinh tế Việt Nam có 2 đặc trưng, trước hết là sự chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường; đồng thời đang hội nhập mạnh mẽ. Thị trường hình thành nên những thành viên mới có trình độ cao hơn, khắt khe hơn, vậy đâu là cơ hội, thách thức với các doanh nghiệp, với đất nước. Trách nhiệm của bản thân những cán bộ viên chức ngành kế hoạch đầu tư là cùng phải suy nghĩ, nhận diện những vấn đề đó để cùng tham gia giải quyết. “Trong nhiệm kỳ này, tôi sẽ tập trung chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư công, đưa hoạt động kinh doanh được chứng minh bằng các cơ sở khoa học làm chủ đạo, chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thay đổi tâm thế hành động
Các cán bộ công chức, viên chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được khuyến khích thẳng thắn, phân tích mổ xẻ những gì Bộ Kế hoạch Đầu tư đã làm được khi thực hiện Nghị quyết số 01 về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô; Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cũng như Nghị quyết 60 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi dư địa để đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong thời gian trước mắt không còn nhiều. Bởi vậy, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trên của Chính phủ, rất cần mỗi công chức, cán bộ thay đổi cách thức làm việc bằng trí tuệ, cảm hứng và khát vọng, đầu tư suy nghĩ vào công việc, đổi mới chất lượng công việc, thay đổi tư duy suy nghĩ của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Cần phải có đột phá trong phát triển, có chiến lược tầm nhìn dài hạn hơn, tham vọng phát triển lớn lao hơn”
Liên quan đến việc xây dựng kế hoạch năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thiết phải đổi mới để làm sao xây dựng kế hoạch nhanh nhất, hiệu quả nhất, phân giao thực hiện cũng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chủ động kiến nghị các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, với tâm thế chọn người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Bà nguyễn thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60, tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển đã cải thiện đáng kể. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đã đạt 46,4% kế hoạch năm, tương đương mức đạt được của cùng kỳ năm trước là 47%, tăng 6,8% so với 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ đạt 31,5%, tăng 3,4% so với 6 tháng đầu năm.
Tới ngày 30/9, những dự án nếu giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 còn thấp thì sẽ không bố trí vốn kế hoạch năm 2017. Trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, sẽ chỉ bố trí vốn cho các dự án cấp bách, có tính liên vùng, để đảm bảo sử dụng vốn tập trung, nâng cao hiệu quả.
Ông nguyễn đình cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Năm 2015, môi trường kinh doanh của ta đã nâng lên 3 bậc, theo xếp hạng Doing Business 2016. So với các nước ASEAN-4, Việt Nam được ghi nhận cải cách nhiều hơn, nhưng khoảng cách trên hầu hết các chỉ số của Việt Nam so với các nước ASEAN-4 còn xa. Thẳng thắn mà nói, cải cách đúng như bản chất của nó là chưa đạt được, chẳng hạn, trên thực tế có doanh nghiệp nhập vải về giá chỉ 100.000 đồng/mét, nhưng phí kiểm định chất lượng lên tới 2 triệu đồng, hay nhập khẩu lô hàng trị giá 8.000 USD về Hà Nội nhưng phải trả chi phí dán nhãn năng lượng tới 130 triệu đồng.
Mặc dù 2 chỉ số về khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư, thuộc “trách nhiệm” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được cải thiện nhiều trong thời gian vừa qua, song chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm như tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan tới điều kiện kinh doanh để những tình trạng như rà soát qua đã thấy có tới 6.000 - 7.000 giấy phép con tồn tại không tái diễn, hay xây dựng một luật để sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh…
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp
Bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, điều quan trọng là phải làm sao tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, coi đây là giải pháp căn cơ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau khi Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã được ban hành, tính đến hết tháng 7 đã có 15 bộ ngành/19 bộ ngành được giao nhiệm vụ đã xây dựng và ban hành chương trình hành động. Các chương trình đối thoại DN cũng đã được tổ chức rộng khắp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng DN. Các đường dây nóng hỗ trợ DN cũng đã được thành lập. Nhiều kiến nghị cụ thể đã được các bộ, ngành đề xuất, từ việc nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính tại thông tư dẫn tới việc các bộ, ngành thiếu tính chủ động trong sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, đến mở kênh cho vay bằng ngoại tệ, qua đó các tổ chức tín dụng tiếp tục được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vay vốn ở trong nước để hỗ trợ xuất khẩu... Nhưng còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới như hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN…
Ông Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư
Nhiệm kỳ 2016-2020 có rất nhiều thách thức khó khăn. Một mặt, bối cảnh bên ngoài không thuận lợi khi các nền kinh tế như châu Âu, Hoa Kỳ đều đi xuống, các nước láng giềng với chúng ta cũng đã có những tư duy khác. Mặt khác, những thuận lợi trong nước đã khai thác hầu hết. Kinh tế khó khăn, tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như giải quyết công ăn việc làm cho người dân, đảm bảo thu nhập, cuộc sống của người dân và xa hơn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Bởi vậy, rất cần sự nỗ lực, đặc biệt từ nghị quyết tới cuộc sống còn cách xa nhiều lắm, ở dưới vẫn còn những nhũng nhiễu, gây khó cho DN. Chúng ta phải có chính sách làm sao để nuôi dưỡng DN, tạo niềm tin, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các khu vực DN của nền kinh tế.
Ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách phát triển
Trong bối cảnh hiện nay, vẫn phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi “tần suất” lạm phát cao quay trở lại đang ngày càng dày, chỉ 3 năm một lần. Nếu chúng ta không kiên định, thì chỉ 1 - 2 năm nữa lại lạm phát cao, rồi dẫn tới giảm tăng trưởng, khi đó con đường của chúng ta càng thêm gập ghềnh. Thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt với việc thực hiện tái cơ cấu nợ công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước, cũng như tái cơ cấu các DN nhà nước để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Không nên để các DN nhà nước sản xuất bia hay thuốc lá nữa, mà chỉ nên nắm giữ những ngành, lĩnh vực quan trọng.