Cải cách tạo cú hích cho tăng trưởng
Trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Nhận diện các yếu tố đột phá trong M&A”, ông Seck Yee Chung, Luật sư, Công ty luật Baker & McKenzie cho biết, chúng ta đang bắt đầu có 1 làn sóng M&A thứ hai.
Theo ông Seck Yeen Chung, thị trường tiêu dùng, bất động sản Việt Nam cũng đang thay đổi, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã thay đổi. Áp lực cạnh tranh thu hút vốn từ khu vực sẽ tạo ra lợi thế cho Việt Nam.
Về luật pháp, theo ông Seck Yeen Chung, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để tạo ra môi trường pháp lý tốt hơn, dần dần rút vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước. Tất nhiên, vẫn có những trục trặc cần cải thiện nhiều để thúc đẩy thị trường phát triển, như đăng ký đầu tư và phê duyệt đầu tư vẫn còn mất thời gian.
Một số yêu cầu với nhà đầu tư lại quay trở lại như chính sách trước đây. Đó là yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải có giấy phép để thực hiện các hoạt động dịch vụ, yêu cầu liên quan đến một số ngành nghề như năng lượng…
Ông Seck Yee Chung, Luật sư, Công ty luật Baker & McKenzie trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất - Ảnh: Lê Toàn
Cũng theo ông Seck Yeen Chung, Luật Cạnh tranh của Việt Nam cần vươn đến chuẩn mực cao hơn của quốc tế. Việt Nam cần mở rộng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài theo đúng cam kết của WTO.
Nếu doanh nghiệp trong nước hoạt động tốt thì cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhiều hơn.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam vẫn đang cải thiện.
Các dòng đầu tư chỉ chảy về vùng trũng, nếu chúng ta tạo ra được vùng trũng đó thì dòng đầu tư sẽ chảy về. Việc tạo ra vùng trũng đó là công việc của Chính phủ trong việc cải cách thể chế về chính sách. Tất nhiên, cũng có những chính sách chưa làm được hoặc chưa làm tới, nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi để doanh nghiệp và nhà đầu tư là đối tượng để Chính phủ phục vụ.
Chính phủ và các bộ ngành đang tiếp tục rà soát hủy bỏ những điều kiện không còn phù hợp hay không thích ứng với quá trình phát triển…
"Chúng tôi đang hoàn thiện dự thảo Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt để tạo ra những cơ chế thu hút đầu tư tốt hơn. Thực tế, Việt Nam trong quá trình phát triển đang dựa nhiều vào tiềm năng tĩnh như tài nguyên, lao động, vị trí địa lý. Tuy nhiên, tiềm năng này đã đến giới hạn nên phải chuyển sang tiềm năng động như thể chế mô hình để tạo cú hích cho phát triển.
Mỗi một lần cải cách, Việt Nam đều có cú hích để tạo sự tăng trưởng. Những cải cách trước đã bão hòa nên cần phải có một đợt cải cách mới để tạo cú hích mới cho sự phát triển", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trường, Việt Nam phải tạo ra một sân chơi mới, trong đó nhà đầu tư muốn gì thì mình đáp ứng, chẳng hạn như sẽ cho thí điểm đầu tư hạ tầng casino tạo thành nơi phát triển nhiều ngành nghề. Đối với vịnh Vân Phong, sẽ tạo điều kiện phát triển tốt về cảng trung chuyển các khu công nghệ. Với khu Vân Đồn, sẽ phát triển công nghệ sinh học dược phẩm ngành nghề có giá trị cao…
Việt Nam đang phấn đấu tiệm cận Top ASEAN 4 (1 trong 4 nước có môi trường đầu tư tích cực tronng khu vực).
Nguồn hàng dồi dào cho M&A
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, có 2 nguồn hàng dồi dào cho thị trường M&A là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần.
Giai đoạn 2016-2020 sẽ công bố công khai danh mục 137 doanh nghiệp có thoái vốn, công bố lộ trình thoái vốn. Trong đó, năm 2017 có 44 doanh nghiệp, năm 2018 có những doanh nghiệp thuộc tập đoàn điện lực, viễn thông, thuốc lá.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trao đổi tại phiên thảo luận thứ nhất - Ảnh: Lê Toàn
Tới đây Chính phủ sẽ công bố những công ty Chính phủ sẽ thoái vốn năm 2017 như Vinamilk, thêm 3,5% Sabeco, Habeco, Cụm cảng ACB… Mức thoái vốn cụ thể bao nhiêu cũng sẽ cống bố cụ thể.
Ông Tiến cho biết thêm, Chính phủ muốn tạo ra một môi trường công khai minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm.
Cụ thể, về thể chế, sẽ tiến hành sửa đổi nhanh các quy định, mở cửa luôn lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp để các công ty tư vấn nước ngoài vào nhanh nhất. Đa phần doanh nghiệp sẽ không cần nhà cổ đông chiến lược, nên các doanh nghiệp FDI có thể mua,
Các thủ tục liên quan đến đặt cọc đang kiến nghị không cần đặt cọc, mà chỉ cần ký quỹ hoặc bảo lãnh. Năm 2017, Chính phủ sẽ công khai minh bách thông tin các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cách nào hút thêm vốn ngoại?
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để thu hút được cả các dòng vốn ở ngoài khu vực khác châu Á, ông DC Choi, Michael, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc khuyến nghị, Việt Nam nên có một chính sách tài chính về vốn và giám sát vốn sát thị trường hơn. Phải thuyết phục được các nhà đầu tư về khả năng kiểm soát thị trường như lạm phát, nợ xấu.
Cần phải tái cơ cấu cân bằng giữa các ngành hàng như đầu tư nhiều hơn và phát triển máy móc, công nghệ cao các nhà đầu tư ngành nghề thông minh sẽ mang nhiều giá trị hơn cho Việt Nam.
Ngoài ra, cần nâng cao tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên cần nới room hơn nữa.
Ông DC Choi, Michael, Phó giám đốc cấp cao Trung tâm M&A toàn cầu, Kotra Hàn Quốc - Ảnh: Lê Toàn
Bên cạnh đó, nên hợp nhất cả hai thị trường chứng khoán để giao dịch nhất quán hơn. Tất cả các công ty niêm yết phải có báo cáo tài chính công khai rộng mở công cộng để tất cả mọi người có thể truy câp vào báo cáo tài chính.
Còn theo ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM, để thúc đẩy thu hút vốn ngoại, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cần phải nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Chẳng hạn, Indonesia đã thu hút được 4,2 tỷ USD khi nâng hạng thị trường.
"Nâng hạng thị trường chứng khoán cũng là mục tiêu chúng tôi hướng tới. Chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch thuận tiện nhất, công ty có quy mô vốn lớn phải công bố thông tin cả bằng tiếng Anh", ông Năng nói và cho biết, về việc nới room, UBCK đã cho mở room 100%, nhưng thực tế chỉ có 19 công ty niêm yết mở 100%. Có những công ty còn xin hạ room xuống.
Theo ông Năng, vướng nhất trong câu chuyện này là quy định pháp lý, đó là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ bị hạn chế tỷ lệ sở hữu. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam khi đăng ký thành lập, thường đăng ký rất nhiều ngành nghề, nên có thể có những ngành nghề bị vướng vào kinh doanh có điều kiện, trong khi ngành nghề chính thì không bị hạn chế này.