Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định tồn kho hiện đã giảm.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định tồn kho hiện đã giảm.

Bộ trưởng Công Thương: “Tồn kho đã giảm”

Theo Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng, hiện mức tồn kho tại khu vực chế biến - chế tạo thậm chí đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, tỷ lệ tồn ở nhiều mặt hàng quan trọng vẫn ở mức cao.

Nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 30/10, đại diện ngành công thương được Phó chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phát biểu xung quanh 3 vấn đề: tồn kho của doanh nghiệp, kinh doanh xăng dầu và tình hình xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Hoàng xin phép chỉ phát biểu về 2 vấn đề đầu, riêng việc quản lý xuất nhập khẩu "sẽ báo cáo trong lần khác".

 

Về việc giải bài toán tồn kho, người đứng đầu ngành công thương cho biết, so với con số 34,9% tại thời điểm đầu tháng 6, tính đến 1/10, chỉ số tồn kho của ngành chế biến - chế tạo đã giảm xuống 20,3%. Chỉ số này thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ 2011 (21,1%).

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, ở một số mặt hàng quan trọng như than, sắt thép, phân bón, xi măng..., tỷ lệ tồn vẫn còn tương đối cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giá (than) và thời vụ (phân bón). Theo Bộ trưởng, những khó khăn này đang được cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp tích cực giải quyết nhằm mục tiêu giải phóng hàng tồn kho.

 

Đối với thắc mắc của một số đại biểu về việc nhập khẩu thép Trung Quốc ồ ạt, gây khó cho sản xuất trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết hiện không có quy định hạn chế nhập khẩu từ một quốc gia, trừ khi phát hiện được vấn đề liên quan đến chất lượng. Trong khi về vấn đề này, Bộ hiện chưa nhận được báo cáo. "Vừa qua mới phát hiện được một số trường hợp gian lận, nhập thép chế tạo nhưng lại bán thành thép xây dựng. Những trường hợp này đã được xử lý", ông nói.

Riêng với thép, mức tồn kho hiện ở mức 40% được người đứng đầu ngành công thương lý giải là do "cung vượt cầu" khi các nhà máy trong nước sản xuất vượt, bị cạnh tranh mạnh bởi hàng xuất khẩu trong khi thị trường xây dựng ảm đạm. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Hoàng cho biết, cơ quan quản lý đã làm việc với Hiệp hội Thép và doanh nghiệp nhằm điều chỉnh mức sản xuất, đồng thời có biện pháp tăng thuế nhập khẩu trong khuôn khổ cho phép.

 

Đánh giá về tình hình doanh nghiệp, đại diện cơ quan quản lý cho rằng riêng với ngành chế biến chế tạo, hiện tồn kho đã giảm, không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là làm sao giúp doanh nghiệp có thể duy trì, phát triển sản xuất trong điều kiện khó khăn hiện nay.

 

Về việc quản lý kinh doanh xăng dầu, trước một số ý kiến cho rằng tình trạng độc quyền tiếp tục nhức nhối khi Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu (PV Oil) đang chiếm khoảng 90% thị phần, Bộ trưởng Hoàng cho biết hiện cả nước có tổng cộng 12 đầu mối kinh doanh. Căn cứ theo Nghị đinh 84 thì các doanh nghiệp khác, nếu có điều kiện, hoàn toàn có khả năng gia nhập thị trường.

 

"Hằng năm, căn cứ vào sản lượng tiêu thụ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ công bố dự kiến sản lượng cần nhập khẩu. Chúng tôi sẽ căn cứ vào con số này để yêu cầu doanh nghiệp đăng ký chỉ tiêu nhập tối thiểu. Nhưng vừa qua, có không ít doanh nghiệp không thực hiện nhập đủ số đã đăng ký nên phải giao lại cho Petrolimex nhập", ông Hoàng giải thích.

 

Về vấn đề thị phần, Bộ trưởng Công Thương cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong nước. Như vậy, thị phần của đơn vị lo đầu ra cho nhà máy là PV Oil sẽ tương đương con số này. Còn với thị phần khoảng 60% của Petrolimex, ông Hoàng cho rằng đây là do vấn đề lịch sử. "Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là Nhà nước không hạn chế việc các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường", ông nói.

 

Đối với vấn đề tạm nhập tái xuất xăng dầu, vốn gây ra nhiều hệ lụy thời gian qua, người đứng đầu ngành công thương nhận định đây là hoạt động bình thường, được tất cả các nước cho phép. Riêng với Việt Nam , đây cũng là hoạt động cần thiết bởi các nước láng giềng như Lào, Campuchia, do điều kiện địa lý, vẫn yêu cầu Việt Nam cung cấp xăng dầu. Ngoài ra, lượng hàng hóa này cũng cần được nhập để phục vụ nhu cầu của tàu bè, máy bay nước ngoài khi tới Việt Nam .

 

"Tuy nhiên, thời gian qua, việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu cũng xuất hiện nhiều vấn đề, trong đó có buôn lậu. Do đó, Bộ Công thương và Tài chính đã thống nhất, hiện chỉ còn cho tạm nhập - tái xuất mặt hàng này phục vụ đối ngoại, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các phương tiện nước ngoài cần mua nhiên liệu khi tới Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.