Bộ Giao thông Vận tải từng trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống.

Bộ Giao thông Vận tải từng trình Chính phủ dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014, trong đó có quy định xe Grab 4 bánh phải đeo mào như taxi truyền thống.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất táo bạo, mở lối phát triển cho xe công nghệ

Đề xuất mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ coi những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet là một chủ thể riêng biệt.

Đích thân ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông  (TT&TT) vừa ký công văn số 1485/BTTT – CNTT gửi Thủ tướng Chính phủ để cho ý kiến đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ - một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP).

Công văn này của Bộ TT&TT là để thực hiện Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 12/3/2019 về việc cho ý kiến đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trong dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo Bộ TT&TT, để tạo điều kiện cho công nghệ số có khả năng đem lại nhiều lợi ích mới cho xã hội, đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động kinh tế, các nước trên thế giới như Anh, Đức, Singapore, Indonesia... đều đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các mô hình, phương thức quản lí mới. Tại Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ pháp lý mới để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thực hiện thí điểm chính sách quản lí các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới có tính đột phá.

Trên quan điểm đó, Bộ TT&TT cho rằng cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet, … là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.

Đối với hoạt động kinh doanh taxi truyền thống, Bộ TT&TT xác định có 3 chủ thể có vai trò chi phối chính: Công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lí nhà nước. Thông qua sự xuất hiện của các đơn vị cung cấp nền tảng, hoạt động kinh doanh taxi có 4 chủ thể chính: Công ty vận tải (hoặc hợp tác xã vận tải), đơn vị cung cấp nền tảng, người dân và cơ quan quản lí nhà nước. Trong 4 chủ thể đó, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp lại cung cấp cho người dân một loại dịch vụ tương đương taxi. Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả những công đoạn mà taxi truyền thống thực hiện mà mỗi chủ thể thực hiện một số công đoạn của hoạt động taxi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trên cơ sở những lợi ích thật sự mà mô hình kinh doanh mới đem lại cho người dân và được xã hội thừa nhận rộng rãi (như minh bạch về giá cước và lộ trình, giá cước phù hợp với nhu cầu của người dân, chất lượng phục vụ được nâng cao), cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.

Do đó, Bộ TT&TT đề nghị thêm vào Điều 3 dự thảo Nghị định nội dung khẳng định vị trí riêng biệt đó. Cụ thể, để quản lí chủ thể cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải, cần có những quy định riêng và phù hợp với chủ thể này, đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị bổ sung thêm Điều 8, sau Điều 7 trong Dự thảo Nghị định hiện tại về quy định quản lí đối với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải.

Để quản lí nhà nước đối với những hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ, Bộ TT&TT cho rằng cơ quan quản lí cần sử dụng chính công nghệ để quản lí và giám sát. Theo đó, thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có “Bảng đèn hiệu” hoặc biển số khác màu, cơ quan quản lí hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe vận tải đang tham gia trong mô hình.

Một trường hợp khác, cơ quan quản lí có thể yêu cầu đơn vị nền tảng chỉ đề xuất lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển… Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp thanh, kiểm tra. Đây là một hình thức dùng công nghệ để thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Bộ TT&TT khẳng định cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của những mô hình taxi sử dụng công nghệ.

“Vì lẽ đó, yêu cầu gắn biển điện tử đối với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ trong dự thảo Nghị định sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường kinh doanh taxi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ. Thay vào đó, cơ quan quản lí có thể tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống bằng các quy định mới phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Nếu khách hàng đặt taxi truyền thống thông qua phần mềm của hãng, khi mà các điều kiện minh bạch về lộ trình và giá cước được đảm bảo, thì cũng cho phép hãng taxi và khách hàng có thể thỏa thuận giá cho phù hợp với nhu cầu ở thời điểm đó, thay vì sử dụng giá niêm yết. Giá niêm yết vẫn tiếp tục áp dụng cho trường hợp khách vẫy và vận chuyển theo đồng hồ - Bộ TT và TT nêu ví dụ.

Trước đó, tại buổi họp rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ngày 6/3/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan, nhất là Luật giao thông đường bộ, Luật giao dịch điện tử, Luật hợp tác xã...

Việc rà soát cần đồng thời bảo đảm các nguyên tắc: Phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, cũng như bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; bảo đảm văn minh đô thị; Bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và thực thi pháp luật; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông vận tải; khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng khoa học công nghệ; loại bỏ các nội dung gây cản trở tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, cũng như làm triệt tiêu các mô hình đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, trong công văn số 3427/BGTVT – VT ngày 12/4/2019 báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát nội dung dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo kết luận số 93/TB-VPCP, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm đối với phần lớn quy định được đề xuất tại dự thảo trình Thủ tướng vào tháng 1/2019 cũng như trong lần xin ý kiến hôm 8/4 và cho biết là đã nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan. 
Cụ thể, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm “hợp đồng điện tử” đã nêu trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử (trong đó Grab và Uber tham gia) và các dự thảo trước. Dự thảo nghị định mới yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ phải chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ).

Cụ thể, nghị định mới bổ sung khái niệm về kinh doanh taxi. Theo đó, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách.

Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung quy định về chuyển đổi sang loại hình taxi. Toàn bộ các ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.

Như vậy, nếu dự thảo nghị định được thông qua, các xe Grab 4 bánh muốn tiếp tục hoạt động thì phải gắn mào, và được định nghĩa là phương tiện taxi.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải. Cụ thể, kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.

Đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung, chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung, chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP như sau:

1. Đề nghị bổ sung thêm vào phần “Căn cứ pháp lý” ban hành Nghị định một số nội dung sau:

“- Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

- Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

- Căn cứ Luật an toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;”

2. Bổ sung thêm một Khoản vào Điều 3 (về Giải thích từ ngữ) với nội dung như sau:

“Đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải là đơn vị kết nối giữa đơn vị vận tải và hành khách, sử dụng công nghệ số giúp hành khách có nhu cầu vận tải tìm được đơn vị vận tải có khả năng cung cấp. Tất cả các giao dịch đều diễn ra trong môi trường số.”

3. Bổ sung thêm Điều 8 (sau Điều 7 hiện tại) như sau:

“ Điều 8. Đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải

1. Thông qua môi trường số để thực hiện các công đoạn sau trong kinh doanh taxi:

a) Ghi nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng và chuyển yêu cầu vận chuyển đến ô tô hợp đồng phù hợp đang tham gia trong hệ thống;

b) Thực hiện vai trò là đơn vị trung gian trong đàm phán về giá cước;

c) Hỗ trợ thực hiện kí kết hợp đồng điện tử;

d) Ghi nhận đánh giá của khách hàng về chất lượng phục vụ của tài xế, điều chỉnh hoạt động của tài xế dựa trên đánh giá của hành khách.

2. Phải minh bạch về giá cước và tuyến đường đối với hành khách và đơn vị vận tải trong mọi thời điểm; phải có công cụ để hành khách và đơn vị kinh doanh vận tải xem xét, kiểm tra về giá cước và tuyến đường.

3. Phải cung cấp công cụ giám sát cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có thể kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị vận tải tham gia nền tảng trong mọi thời điểm.

4. Bảo đảm hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa ba bên tham gia ký kết hợp đồng, bao gồm đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp nền tảng và khách hàng; hợp đồng vận chuyển phải bảo đảm đầy đủ thông tin tối thiểu về Hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Nghị định này; Hợp đồng phải được cung cấp đến đơn vị vận tải và khách hàng trước khi thực hiện vận chuyển.

5. Phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến hành khách và đơn vị vận tải; gửi thông tin hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; bảo đảm minh bạch trong quá trình thanh toán đối với cơ quan chức năng có thẩm quyền và hành khách.

6. Tuân thủ quy định về an toàn thông tin đối với các thông tin dữ liệu của hành khách, đơn vị vận tải và tài xế theo Luật an toàn thông tin mạng.

7. Chỉ được phép kết nối những đơn vị kinh doanh vận tải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

8. Đảm bảo chỉ kết nối các yêu cầu phục vụ theo tuyến đường mà quy định giao thông cho phép, không hướng dẫn đơn vị vận tải đi vào đường cấm.

9. Thực hiện lưu trữ tất cả lộ trình vận tải, hóa đơn điện tử để phục vụ thanh kiểm tra; thời gian lưu trữ tối thiểu là 03 năm.

10. Bảo đảm chất lượng dịch vụ của nền tảng kết nối.

11. Chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các hoạt động quy định ở Khoản 1 Điều này.”

Tin bài liên quan