Tình trạng lỗi hệ thống giao dịch trên HOSE diễn ra dày đặc và ngày càng trầm trọng

Tình trạng lỗi hệ thống giao dịch trên HOSE diễn ra dày đặc và ngày càng trầm trọng

Bó tay chuyện “tắc đường” của thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất cứ ai theo dõi bảng điện tử sàn HOSE chiều 24/2 đều rất dễ mang tâm lý chán chường vì hệ thống lại lăn quay, lệnh mua, lệnh bán không thể gặp nhau.

Kể từ 14h, bảng điện gần như đứng hình, trước đó giá nhảy loạn xạ, khiến nhiều nhà đầu tư mua bán chứng khoán không khác gì kiểu “bịt mắt bắt dê”, tệ hơn lệnh mua và bán sau đó đều không thể đưa vào hệ thống.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư bức xúc khi tình trạng tắc đường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, suốt 2 tháng qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là tại sao có những phiên giao dịch giá trị tới gần 20.000 tỷ đồng mà không bị treo hệ thống, trong khi có những phiên chỉ 14.000 - 15.000 tỷ đồng đã tắc đường? Lãnh đạo HOSE giải thích, việc nghẽn lệnh do số lượng lệnh tăng lên chứ không phải do giá trị mỗi lệnh cao hay thấp.

Nhưng lời giải thích như vậy lại rất khó thuyết phục nếu nhìn vào số lượng lệnh trong những phiên giao dịch gần đây.

Theo thống kê của Vietstock ở một thời điểm, phiên giao dịch ngày 22/2, có tình trạng nghẽn lệnh thì số lệnh đặt mua là 97.045; số lệnh đặt bán là 93.492 lệnh. Phiên giao dịch ngày 23/2, hệ thống thông suốt không bị nghẽn lệnh có số lệnh đặt mua tới 130.724; số lệnh đặt bán là 113.519 lệnh; lần lượt tăng 34,7% và 21,42% so với phiên ngày 22/2.

Đến phiên ngày 24/2, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trầm trọng thì số lượng lệnh đặt mua chỉ có 90.060, lệnh đặt bán đạt vỏn vẹn 81.107 lệnh; thấp hơn 31,11% và 28,55% so với phiên giao dịch thông suốt hôm trước.

Còn số liệu từ HOSE cho biết, ngày 22/2; lệnh mua là 306.579; lệnh bán là 296.818; ngày 23/2; lệnh mua là 324.941; lệnh bán là 271.016; ngày 24/2 lệnh mua là 345.613 và lệnh bán là 275.796

Với thực tế trên sàn HOSE hiện nay, nhà đầu tư không thể biết được khi nào hệ thống “bị đơ”, giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?

Theo UBCK Nhà nước, hiện chỉ trông chờ vào hệ thống giao dịch mới của HOSE được vận hành và đi vào hoạt động, có sớm nhất cũng phải tới cuối năm 2021. Mặt khác, việc thử nghiệm vận hành hệ thống này bị chậm trễ do các chuyên gia Hàn Quốc không sang được Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, việc này không nên đổ lỗi cho Covid, vì gói thầu hệ thống này đã có cả chục năm mà vẫn chưa xong. Tại sao ở các công ty chứng khoán, số lượng lệnh tăng cả chục lần mà không “chết” như HOSE? Vì CEO các công ty chứng khoán phải lường trước và đề xuất đầu tư từ sớm; nếu CEO không làm được, thì chắc chắn sẽ “mất ghế”.

Các năm qua, HOSE đã lường trước và đầu tư cho công nghệ thông tin như thế nào? Báo cáo tài chính của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh kể từ năm 2014 cho tới nay cho thấy, mãi tới nửa đầu năm 2020, chi phí xây dựng dở dang thiết bị tin học cho dự án xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (dự án được kỳ vọng khi hoàn tất sẽ nâng cao năng lực giao dịch của hệ thống), ghi nhận giá trị là 343,77 tỷ đồng đến 30/6/2020. Các năm 2014 - 2015 - 2016 gần như không đầu tư, nâng cấp hệ thống; tương tự là giai đoạn năm 2018 - 2019.

Trong khi đó, nguồn lực của HOSE lại rất dồi dào khi doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Cụ thể, từ 210,6 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 427 tỷ đồng trong năm 2017 và đạt 521,5 tỷ đồng trong năm 2018; năm 2019 có giảm nhưng cũng đạt 379 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của HOSE đạt 238,6 tỷ đồng, tăng 19,3% so với nửa đầu năm 2019.

Nguồn thu chủ yếu của HOSE đến từ việc thực hiện thu phí với tỷ lệ cố định trên giá trị giao dịch của nhà đầu tư, nhưng xem ra chất lượng dịch vụ cung ứng đến nhà đầu tư lại tỷ lệ nghịch với những con số ngày càng tăng như vậy.

Nếu coi khách hàng là thượng đế thì các thượng đế của HOSE đang đặt ra yêu cầu minh bạch thông tin và có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Tin bài liên quan