Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.
Trình bày dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 21/4, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ban soạn thảo đã dành một chương để cụ thể hóa nguyên tắc trên.
Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội đồng tình với đề xuất này, theo hướng "tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải".
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhiều nghiên cứu cho thấy "bỏ ra một đồng để phát triển kinh tế, nhưng nếu không bảo vệ môi trường tốt có khi phải bỏ ra 10 đồng để xử lý".
Do vậy chính sách trong lĩnh vực này cần được bổ sung, hoàn thiện; trong đó cần tăng chế tài đối với những cá nhân, tập thể có vi phạm để xây dựng quỹ bảo vệ môi trường tốt hơn.
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng dự án Luật này không nên chỉ dừng lại ở quản lý nhà nước mà "cần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững".
"Làm sai thì phải bồi thường, nhưng chúng ta không thể cứ đợi người ta quăng rác thải ra đường rồi xử phạt, mà phải có biện pháp thay đổi nhận thức của toàn xã hội", ông Bình nói.
Ông đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nên đặt ra vấn đề giáo dục, tuyên truyền cho người dân cách bảo vệ môi trường, phân loại rác từ gia đình, tiết kiệm năng lượng, hạn chế mua, sử dụng những thiết bị thải khí độc ra môi trường...
Trước đó hồi tháng 2, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết cơ quan này đề xuất thu phí xử lý chất thải rắn theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền"; đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường.
Theo đó, đối với chất thải sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, cơ quan môi trường đề xuất quy định theo hướng thu tiền thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi thân thiện với môi trường.
"Thực chất đây là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như lâu nay", ông Hiền nói và cho biết đề xuất này dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2015. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 5.