Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để đảm bảo nhiệm vụ ngân sách năm 2021, những tháng cuối năm 2021, toàn ngành tài chính cần tập trung quản lý thu, tránh thất thu; chi ngân sách đảm bảo triệt để tiết kiệm, hiệu quả.
Trong những tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian không còn nhiều, do đó ngành tài chính cần tập trung nỗ lực để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả và chặt chẽ nhất.
Về phía ngành, cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như triển khai khai kịp thời các gói chính sách kích cầu, tăng trưởng kinh tế…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá trong bối dịch bệnh cùng với triển khai các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân, số thu ngân sách nhà nước những tháng qua gặp nhiều khó khăn.
Thu ngân sách nhà nước tháng 9 ước đạt 65.200 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý số thu nội địa ước đạt 49.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm mạnh khoảng 17.000 tỷ đồng so với tháng Tám.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 và có xu hướng giảm những tháng vừa qua, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020, một số ngành, lĩnh vực được hưởng lợi từ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... duy trì được mức tăng trưởng khả quan, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhờ đó tổng số thu 9 tháng ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán.
Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể các con số thu, từ khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát trở lại, diễn biến thu nội địa có xu hướng giảm qua các tháng, quý và so với thực hiện cùng kỳ, trong đó thu nội địa từ thuế, phí (không kể yếu tố gia hạn) từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng Bảy giảm 10,8%, tháng Tám giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu nội địa do ngành thuế thực hiện 9 tháng đạt 907.312 tỷ đồng, đạt 81,2%, bằng 107,5% so với cùng kỳ. Song phân tích số thu tháng 9 và quý 3/2021, ông Cao Anh Tuấn cho rằng “tình hình đáng lo ngại” khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm.
Số thu nội địa trong tháng Chín đạt 60,5 nghìn tỷ đồng (trong đó có khoảng 3.000 tỷ đồng thu phát sinh), giảm khoảng hơn 9.000 tỷ đồng so với tháng 8/2021.
Nếu không tính khoản thu phát sinh thì số giảm này lên tới khoảng 12.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách đạt rất thấp và thấp hơn rất nhiều so với bình quân thu ngân sách 7 tháng đầu năm. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, thu ngân sách tháng 9 giảm gần 6.000 tỷ đồng so với tháng 8/2021.
Bên cạnh số thu nội địa, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 9 tháng ước đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán, tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2020. Song do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, số thu từ hoạt động này từ tháng 8 đến nay có xu hướng giảm mạnh, so với tháng trước. Số thu tháng Tám giảm 19,1%; tháng Chín giảm 13,6%.
Theo người đứng đầu ngành tài chính, trong điều kiện thu-chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều đã ưu tiên bố trí chi cho phòng, chống dịch COVID-19.
Ước tính đến hết tháng Chín, ngân sách nhà nước đã chi 29.100 tỷ đồng; trong đó chi cho phòng, chống dịch là 19.700 tỷ đồng và chi cho hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 9.400 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, số ngân sách trung ương đã chi 16,35 nghìn tỷ đồng, bao gồm 10,83 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vaccine và chi cho phòng, chống dịch; 5,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vaccine; 413 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương 12,75 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu trong những tháng cuối năm, toàn ngành đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ tài khóa cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần hỗ trợ khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế.