Theo văn bản của Bộ Nội vụ gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" trong cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, tại một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương do đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở Trung ương công tác nên đã thực hiện việc bổ nhiệm chức danh "Hàm".
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Tổ chức Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án "Xây dựng tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với đội ngũ chuyên gia; tiêu chuẩn, chế độ trợ lý, thư ký các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước" để khắc phục việc bổ nhiệm chức danh "Hàm" trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và của pháp luật về công tác cán bộ, trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh "Hàm", Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan không thực hiện việc bổ nhiệm mới chức danh "Hàm" đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2018), đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về giải quyết và xử lý việc bổ nhiệm chức danh “hàm” ở các cơ quan trung ương mà dư luận quan tâm từ khóa trước tới nay. Nếu việc này là đúng pháp luật và đảm bảo tính khoa học, hợp lý thì “hàm” sẽ được triển khai trong thời gian tới như thế nào và các địa phương có được áp dụng hay không?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 87 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII, năm 2015, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm” đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Tháng 10/2015, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu hình thức ban hành văn bản về “hàm” là quyết định hay nghị định. Bởi, Luật Cán bộ, công chức không có quy định về “hàm”, do đó, nếu ban hành quyết định hay nghị định thì đây là nghị định không có “đầu”, tức là luật không quy định điều này. Do đó, sau kỳ họp Quốc hội, Bộ Nội vụ thông báo không thực hiện bổ nhiệm chức danh “hàm” nữa.
Thực hiện Kế hoạch 04-KH/TW của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và Kế hoạch 10-KH/TW về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược các cấp, Ban Tổ chức Trung ương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng một đề án về tiêu chuẩn chế độ chính sách với đội ngũ chuyên gia, tiêu chuẩn chế độ trợ lý, thư ký, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có chức danh “hàm”.
Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng đề án này trình Bộ Chính trị, nếu Bộ Chính trị có ý kiến kết luận, Bộ Nội vụ sẽ chỉnh sửa các văn bản pháp luật kèm theo để phục vụ cho việc có hay không có “hàm”.
Từ nhiệm kỳ trước, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình về việc bổ nhiệm chức danh “hàm”. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (tháng 11/2017), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, có vụ có cả hàm trưởng phòng, phó phòng, có vụ 19 hàm vụ phó.