Chính sách cho đổi mới sáng tạo cần sự phối hợp
“Liên kết” và “phối hợp” là hai từ khóa được lặp lại nhiều lần trong các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy diễn ra ngày 14/5 vừa qua.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phối hợp xây dựng thể chế tốt, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
Cần nhắc lại, tháng 9/2020, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thời điểm đó là ông Chu Ngọc Anh, hai Bộ đã có sự đồng thuận lớn về vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Đây chính là một động lực mới cho tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế.
Do đó, buổi làm việc giữa hai Thứ trưởng nhằm xây dựng một cơ chế phối hợp, trước mặt là giữa hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, thể chế tốt sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đổi mới sáng tạo (Ảnh: Đức Trung) |
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong hệ thống đổi mới sáng tạo đang hình thành tại Việt Nam, một số thực thể, thể chế và liên kết đã xuất hiện và hoạt động nhưng còn thiếu vắng nhiều thể chế, thực thể và liên kết khác.
Phân tích rõ hơn, Thứ trưởng Duy cho biết, tương tác của doanh nghiệp hiện là chủ đạo, trong khi các tổ chức nghiên cứu, đại học đóng vai trò hỗ trợ thay vì dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Về mặt thể chế, các thể chế chính thức còn thiếu và yếu do Chính phủ bị phân tán bởi nhiều mục tiêu và phải ưu tiên nhiều nhiệm vụ khác.
Do đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, các chính sách, thể chế cho đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến khoa học công nghệ mà còn liên quan đến cả những lĩnh vực của kinh tế vĩ mô và toàn bộ môi trường xã hội thúc đẩy cho đổi mới sáng tạo.
“Cần lưu ý rằng việc xây dựng chính sách theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo luôn nhấn mạnh đến việc đồng tiến hóa giữa các yếu tố cấu thành hệ thống đổi mới sáng tạo. Tức là, các chính sách cần phải có sự phối hợp uyển chuyển, không được cứng nhắc, nhằm tạo ra hiệu ứng cộng hưởng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo thay vì triệt tiêu, cản trở lẫn nhau”, ông Duy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, thể chế cho đổi mới sáng tạo không chỉ liên quan đến khoa học công nghệ mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác |
Tập trung khắc phục các "điểm nghẽn" môi trường kinh doanh, bắt kịp công nghệ
Dẫn câu chuyện từ thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp hiện nay, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, cơ quan này đang hỗ trợ một doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm giường thông minh sang Châu Âu. “Chuyên gia USAID mất 1 tháng để phân tích, tính toán lại theo quy định của bên mua, nhờ đó giúp giảm giá sản phẩm, tăng quy mô xuất khẩu”, bà chia sẻ.
Hay về chuyển đổi số, các doanh nghiệp lao đi tìm giải pháp, nhưng đến 80% các doanh nghiệp phải mất cả năm để sửa quy trình cho đạt các tiêu chuẩn rồi mới có thể áp dụng phần mềm được.
Do đó, theo bà Thủy, về mặt chính sách, hoạt động đổi mới sáng tạo cần các gói hỗ trợ tổng thể chứ không chỉ tập trung riêng vào công nghệ hay xúc tiến thương mại, môi trường kinh doanh…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế phối hợp nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo (Ảnh: Đức Trung) |
Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng, đổi mới sáng tạo đòi hỏi cơ chế mới vượt qua các quy định hiện nay, liên quan đến các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp, hay thủ tục thành lập các quỹ mạo hiểm…
“Các nghị định hiện nay mới chỉ giải quyết được một phần. Muốn có cơ chế ưu đãi riêng cho đổi mới sáng tạo, phải chăng cần xây dựng luật riêng cho đổi mới sáng tạo”, ông Huy đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất là môi trường kinh doanh, làm sao để doanh nghiệp muốn làm và dễ làm. Thứ hai là tiếp cận tài chính chính thức. “Đây đã đang và sẽ luôn là vấn đề với người làm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Làm sao nhiều sản phẩm tài chính hơn, chi phí phù hợp hơn”, ông nói.
Vấn đề thứ ba được Phó Viện trưởng CIEM đặt ra là các nghiên cứu khoa học phải thương mại hóa được, mang tính ứng dụng cao.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua hoạt động sáng chế.
Bên cạnh đó, cần khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, trước hết thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ, ông Duy nói.