Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dưới góc độ kinh tế, tập trung vào vấn đề hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh, phát triển và mở rộng các mô hình kinh doanh mới.

Sáng 1/11, Đảng ủy cơ quan, Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Mai Ngọc Bích, Vụ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; các đồng chí ủy viên Ban chấp hành các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ; lãnh đạo các đơn vị, các đồng chí Ủy viên Ủy ban kiểm tra các cấp và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cơ quan, Bí thư, Phó Bí thư các Chi đoàn, Liên Chi đoàn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, trong những năm gần đây một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã quan tâm rất nhiều đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dưới góc độ kinh tế, tác động của Cuộc cách mạng tới nền kinh tế. Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Chiến lược quốc gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ cũng đã chủ động thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo, quy tụ 100 người con Việt Nam tiêu biểu cho những tài năng, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Đức Trung/MPI)

Tại Hội nghị, ông Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã trình bày nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết nêu rõ, chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Trình bày tham luận về chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về thể chế. Với vai trò là cơ quan tham mưu quan trọng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc thực hiện các cải cách thể chế có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo tính toán của các tổ chức, chuyên gia, nếu tận dụng được cuộc cách mạng này, đến năm 2030 GDP có thể tăng 7-16%, tạo ra 3,1 triệu công ăn việc làm mới.

Nhấn mạnh vào các giải pháp để tận dụng cuộc cách mạng này dưới góc độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư -  cơ quan tham mưu, tổng hợp của Đảng, Chính phủ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi trong việc chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, xác định các ngành nghề mới, các ngành kinh tế số và chính sách ưu đãi đầu tư; hoàn thiện pháp luật kinh doanh để đảm bảo quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, phát triển và mở rộng các mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, cần thực hiện các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh 2

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đức Trung/MPI)

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư Kim Ngọc Thanh Nga giới thiệu về mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo.

Kết luận Hội nghị, ông Mai Ngọc Bích đánh giá, các nội dung được trình bày tại Hội nghị đã đưa ra được bức tranh khái quát, cụ thể để các cán bộ, đảng viên nắm rõ hơn nội hàm, khái niệm, bản chất của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như những nhiệm vụ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện như xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Ông Mai Ngọc Bích cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, các đồng chí tham dự Hội nghị quán triệt, phổ biến các nội dung Hội nghị tới các đảng bộ, chi bộ nhằm giúp các cán bộ đảng viên nắm rõ và nhận thức được đầy đủ về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó có những nhìn nhận cũng như phương thức cụ thể để mang lại những kết quả thiết thực hơn trong quá trình công tác.

Tin bài liên quan