Nhân viên kiểm soát viên không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: VATM).
Theo thông tin của baodautu.vn, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1779/BGTVT – QLDN phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2021 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Các chỉ tiêu này đã được đại diện chủ sở hữu cân nhắc kỹ trên trong điều kiện Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời vẫn phải đảm bảo hoàn thành Kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư 5 năm 2021-2025 của VATM đã được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 7/2021.
Theo đó, đối với kế hoạch cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ công ích), VATM được giao đạt sản lượng dịch vụ (L/c) 273.154 lần chuyến, trong đó điều hành bay đi, đến là 160.278 lần chuyến; điều hành bay quá cảnh là 112.876 lần chuyến.
Liên quan đến kế hoạch tài chính, Bộ GTVT giao VATM đạt tổng thu 2.016,5 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.444,86 tỷ đồng; tổng chi 1.427 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 14,2 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là 0,37%; nộp ngân sách Nhà nước 705,2 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, VATM sẽ phải giải ngân 369 tỷ đồng vốn đầu tư từ 88 dự án.
Để tiết kiệm chi phí, Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo VATM rà soát, không thực hiện một số chuyến công tác nước ngoài trong Kế hoạch đoàn ra, đoàn vào đã phê duyệt để thực hiện tiết giảm chi công tác phí, chi phí phương tiện đi lại…
Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết và có kế hoạch cụ thể về Dự án nâng cấp, mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàn gkhông Côn Đảo, Bộ GTVT giao Tổng công ty đánh giá khả năng khai thác các công trình quản lý bay hiện hữu để tận dụng, tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Trường hợp phải đầu tư hạng mục công trình mới, Tổng công ty chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, cân đối nguồn vốn báo cáo Bộ để bổ sung vào kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai doạn2021-2025 của Tổng công ty.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT phê duyệt Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và Kế hoạch Đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của VATM.
VATM là trong số rất ít doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mang tính công ích hiện do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 3.827 tỷ đồng này là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được giao cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không toàn quốc; trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
VATM thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành GTVT, khi trong giai đoạn 2015 - 2019, VATM đều nộp ngân sách mỗi năm ít nhất 3.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 30% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn với lĩnh vực hàng không, nên hầu hết chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tài chính của VATM trong 5 năm tới được đề cập tại Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT đều giảm rất sâu so với giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, tổng doanh thu trong 5 năm tới của VATM dự kiến giảm 9,2%; lợi nhuận trước thuế sau khi trích quỹ khoa học - công nghệ giảm tới 65%; nộp ngân sách nhà nước giảm 34% so với giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ tiêu tăng duy nhất của VATM trong giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 - 2020 đáng tiếc lại là tổng chi, tăng từ 11.240 tỷ đồng lên 13.129 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, VATM được Bộ GTVT giao triển khai 42 dự án đầu tư phục vụ hoạt động của doanh nghiệp lên tới 10.089 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 7.558 tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay thương mại.