Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị lưu trữ văn bằng quốc gia trên blockchain

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việc triển khai công nghệ để lưu trữ văn bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đảm bảo tính minh bạch, an toàn và tiết kiệm xã hội.

Từ năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ứng dụng công nghệ trong việc lưu trữ văn bằng quốc gia. Theo đó, tất cả văn bằng được cấp bởi các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lần lượt được đưa vào hệ thống lưu trữ văn bằng quốc gia. Hệ thống truy xuất cho các bên có nhu cầu cũng sẽ được xã hội hoá.

Để đảm bảo tính an toàn dữ liệu, hệ thống này ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, trong đó, nền tảng blockchain được triển khai bởi nhà phát triển công nghệ TomoChain.

Theo TomoChain, quy trình lưu trữ và truy xuất văn bằng gồm hai bước chính. Đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận dữ liệu văn bằng số hoá từ các cơ sở đào tạo, sau đó sắp xếp và lưu trữ đồng bộ. Mỗi văn bằng, tương ứng với một học sinh sinh viên khi tốt nghiệp, sẽ có một số hiệu. Mỗi số hiệu là một mã duy nhất, được xác thực, đảm bảo tính minh bạch và không thể bị tạo khống, làm giả.

Tiếp đó, thông qua một cổng thông tin, các bên có thể truy xuất dữ liệu văn bằng. Các văn bằng được lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối, đảm bảo có thể truy vết mọi thay đổi và khôi phục khi cần.

Sơ đồ quy trình số hóa và lưu trữ văn bằng quốc gia trên hệ thống blockchain TomoChain. Ảnh: TomoChain.

Sơ đồ quy trình số hóa và lưu trữ văn bằng quốc gia trên hệ thống blockchain TomoChain. Ảnh: TomoChain.

Để đảm bảo tính minh bạch, hệ thống được thiết kế với nhiều tầng xác minh và chứng thực tự động, giúp tăng độ chính xác, giảm tối đa khả năng nhầm lẫn, làm giả thông tin.

Dữ liệu văn bằng được mã hoá và lưu trữ an toàn tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời trên chuỗi khối do công ty TomoChain phát triển, đảm bảo việc truy vết mọi thay đổi trong quá khứ. Các dữ liệu này cũng có thể sẵn sàng được khôi phục nếu cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo bị tấn công.

Bên cạnh đó, hệ thống được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, phục vụ tốt công tác quản lý, xác thực và khai thác thông tin văn bằng, giảm thời gian xử lý công việc, tiết kiệm chi phí hành chính và quản lý chặt chẽ các tiến trình, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Như vậy, theo nhà phát triển công nghệ TomoChain, với quy trình và ứng dụng công nghệ này, các loại bằng giả sẽ không thể tự nhiên xuất hiện hay được xác thực trên hệ thống. Từ đó, vấn nạn bằng giả sẽ dần dần được đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ của toàn xã hội và trong các cấp các ngành của Chính phủ, việc ứng dụng các công nghệ 4.0 là xu hướng phát triển tương lai. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đứng ngoài xu hướng này. Rất nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 từ cấp trường đến cấp Sở, cấp Bộ đã chứng minh ứng dụng công nghệ mới giúp giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ lâu nhanh hơn, hiệu quả hơn, tốn ít chi phí hơn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

“Quản lý văn bằng, chứng chỉ cũng là một trong những vấn đề cần phải được đổi mới bằng công nghệ, có ý nghĩa rất lớn cho toàn xã hội, hiệu quả hơn cho hệ thống quản lý văn bằng nói riêng và ngành giáo dục nói chung", ông Phúc nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc cấp và quản lý văn bằng hiện được các cơ sở đào tạo thực hiện theo chủ trương tự chủ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy, quy trình này gây nhiều khó khăn cho các cơ quan, đơn vị tuyển dụng khi cần xác thực thông tin. Mỗi khi cần xác nhận bằng thật/giả, các bên phải liên hệ với từng trường, tốn nhiều thời gian, công sức.

Bên cạnh đó, vấn nạn bằng giả cũng là một vấn đề xã hội gây nhức nhối và bức xúc nhiều năm. Bài toán làm thế nào để lưu trữ thông tin văn bằng an toàn., từ đó, tiến tới hỗ trợ các cơ quan, đơn vị sử dụng nhân sự có thể xác thực văn bằng đơn giản, chính xác, tiết kiệm, nhưng không ảnh hưởng đến tính tự chủ của các đơn vị cấp bằng trên cả nước không dễ giải quyết trong quá khứ.

Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn bởi tính minh bạch, tính an toàn và tiết kiệm nguồn lực xã hội.

Trên thế giới và tại Việt Nam, công nghệ blockchain được ứng dụng để lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật, truy xuất nguồn gốc…trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp…

“Giải pháp lưu trữ văn bằng với công nghệ chuỗi khối đã được TomoChain nghiên cứu và áp dụng hơn một năm nay. Lần này, chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa công nghệ này áp dụng vào hệ thống giáo dục tại Việt Nam, góp phần đẩy lùi vấn nạn bằng giả, giúp việc truy xuất văn bằng dễ dàng hơn”, ông Vương Quang Long, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành TomoChain chia sẻ.

“Hiện nay, việc đưa bằng chứng dữ liệu lên chuỗi khối mở cũng là một xu hướng phổ biến trên toàn cầu, nhờ vào ưu điểm tiết kiệm, an toàn và bảo mật. Tôi tin rằng hệ thống này là bước vững chắc để đưa những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới áp dụng cho chính phủ điện tử 4.0 tại Việt Nam, đưa chúng ta lên ngang hàng với những quốc gia sáng tạo và tiến bộ trên thế giới”, ông Long bổ sung.

Ông Vương Quang Long, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành TomoChain. Ảnh: TomoChain.

Ông Vương Quang Long, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành TomoChain. Ảnh: TomoChain.

Từ cuối năm 2019, hệ thống này được các chuyên gia của TomoChain nghiên cứu, hiện trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm 2020, bất chấp quá trình làm việc gặp nhiều thách thức do Covid – 19.

Theo ông Long, hệ thống phân cấp giáo dục và văn bằng ở Việt Nam có nhiều điểm đặc thù với thế giới, hơn nữa còn có thay đổi qua thời gian. Vì vậy, chương trình lưu trữ vừa phải được xây dựng để thích nghi tốt với hệ thống phân cấp, vừa phải thích nghi tốt với tình hình quá khứ và tương lai của nền giáo dục. Hệ thống cũng cần được chuẩn bị để sẵn sàng tích hợp vào bức tranh lớn hơn của chính phủ điện tử đang phát triển của Việt Nam.

Công ty công nghệ TomoChain là một trong những giải pháp chuỗi khối mở hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Giải pháp của TomoChain được ứng dụng trong nhiều ngành như giáo dục, tài chính, y tế, thương mại.

Mục tiêu của TomoChain là đem công nghệ blockchain đến hàng triệu người dùng thông qua việc cho phép tích hợp blockchain vào các ứng dụng thực tế với việc giảm thiểu tối đa sự phức tạp của công nghệ blockchain, trong khi đảm bảo giữ nguyên những ưu điểm nổi bật của công nghệ này. Mức vốn hoá thị trường của TomoChain ở thời điểm hiện tại là gần 50 triệu USD với khối lượng giao dịch hàng ngày vào khoảng 5,5 triệu USD.

Cuối tháng 10, TomoChain chính thức công bố sáp nhập công ty công nghệ blockchain Lition nổi tiếng của Đức – được “gã khổng lồ” ngành phần mềm Microsoft tích hợp, để phát triển riêng bộ phận phục vụ chính phủ và doanh nghiệp bằng công nghệ blockchain.

Tin bài liên quan