Bộ Công thương muốn Hiệp hội làm “bà đỡ" cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước

0:00 / 0:00
0:00
Hình thành Quỹ bình ổn giá thép, VSA làm bà đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất thép, khuyến khích đầu tư khu liên hợp gang thép tại các cảng nước sâu… đã được Bộ Công thương nêu ra.
Bộ Công thương muốn Hiệp hội làm “bà đỡ" cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước

Câu chuyện nghiên cứu việc hình thành Quỹ bình ổn giá thép là kết luận cuối cùng trong số 7 kết luận được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhắc tới tại cuộc làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và một số các doanh nghiệp gồm Tổng công ty Thép Việt Nam; Tập đoàn Hòa Phát; Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn; Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Đồng thời đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư - baodautu.vn, một số doanh nghiệp tham gia cuộc họp cho hay, vấn đề lập Quỹ bình ổn giá thép được đưa ra trong kết luận nên doanh nghiệp cũng không có dịp thảo luận sâu hơn về ý tưởng này với Bộ.

“Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo Luật Giá. Tuy nhiên, từ năm 2012, khi Luật Giá 2012 được ban hành, thép cùng một số mặt hàng như xi măng đã được đưa ra khỏi danh mục này. Mặt hàng thép hiện đang vận hành theo thị trường. Vì vậy ý tưởng thành lập Quỹ bình ổn giá thép được nhắc tới ở thời điểm năm 2021 này nếu muốn tiến xa hơn phải có các căn cứ cụ thể, rõ ràng như ai làm, làm như thế nào, nguồn lực từ đâu", là ý kiến của nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về vấn đề này.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu thép của Việt Nam đều tăng ở mức 2 con số mỗi năm. Đáp ứng mức tăng ấy, sản lượng sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh theo từng năm.

Sản lượng phôi thép liên tục tăng từ năm 2010 đã đạt khoảng 4,3 triệu tấn và đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2020 đạt 19,9 triệu tấn (năm 2020, năng lực sản xuất toàn ngành đạt khoảng 24 triệu tấn/năm).

Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội… còn phải nhập khẩu.

Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất
Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất

Về vấn đề chính sách quản lý ngành thép Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, từ trước ngày 01/01/2019, ngành sản xuất thép được Bộ Công Thương quản lý thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép đến năm 2020, có xét đến năm 2025 (Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/01/2013) và các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2019, thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, quy hoạch ngành sản phẩm (trong đó có ngành thép) đã được bãi bỏ. Hiện tại, các sản phẩm thép tiêu thụ trên thị trường tuân thủ theo các Quy chuẩn và tiêu chuẩn.

Đánh giá về những thách thức của ngành sản xuất thép thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài cho rằng, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Cục trưởng Trương Thanh Hoài đề xuất xây dựng Nhà sản xuất thép thương hiệu Việt xứng tầm với quy mô trong khu vực cũng như trên thế giới; khuyến khích các Nhà đầu tư mới đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép tại các vùng duyên hải, có cảng nước sâu (đảm bảo nguồn cung thép HRC cho tiêu thụ trong nước).

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, khi mặt hàng thép không còn được quản lý bởi quy hoạch phát triển ngành như trước đây thì các các chính sách về cung - cầu của thị trường, các yêu cầu liên quan đến môi trường, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số hay việc tích tụ, tập trung quy mô và đi kèm là mua bán - sáp nhập (M&A) là rất cần thiết và nên theo hướng được định lượng rõ ràng để dẫn dắt sự phát triển của ngành này.

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp với các doanh nghiệp thép

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh

Thứ ba, Hiệp hội Thép phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thứ tư, từng doanh nghiệp trong ngành sản xuất thép phải mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, xây dựng được các chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn.

Thứ năm, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Thứ sáu, từng bước hình thành chuỗi doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sau thép đặc biệt, không chỉ dừng lại nguyên liệu mà còn có thể là thành phẩm.

Thứ bảy, nghiên cứu, cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp ngành thép kịp thời có kiến nghị với Chính phủ.

Tin bài liên quan