Cùng với đó, lô hàng trên này sẽ được tiến hành đấu giá, sung công quỹ nếu không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày kể từ khi cập cảng.
Cụ thể, trước đó, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trắng và tiêu đen sang Myanmar trong thời gian từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019 thường xuyên bị doanh nghiệp nhận hàng là Ngwe Galon Min Co., Ltd., (nhà nhập khẩu) từ chối làm thủ tục nhận hàng với lý do: gặp khó khăn về tài chính, chất lượng hạt tiêu không đảm bảo…
Doanh nghiệp này chỉ thanh toán tiền đặt cọc (10-30% giá trị lô hàng), trì hoãn thanh toán và thậm chí từ chối nhận hàng khi hàng đã đến cảng Yangon, Myanmar.
Theo nhận định của Thương vụ tại Myanmar, lý do doanh nghiệp Myanmar không nhận hàng chủ yếu do giá tiêu xuống thấp vào thời điểm giao hàng so với dự kiến ban đầu. Một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã phải làm thủ tục tái xuất về nước để tránh thiệt hại.
Theo Luật Myanmar, nếu hàng hóa nhập khẩu cập cảng mà không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày thì lô hàng đó sẽ được đưa ra đấu giá, sung công quỹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cả nước hiện có khoảng 100.000 hecta hồ tiêu với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/hecta, tương đương khoảng 247.000 tấn.
Tuy nhiên trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.
Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, dù đã xuất khẩu 224.000 tấn tiêu tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%.
Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019.
Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể sẽ tiếp tục bấp bênh.