Blockchain sẽ thay đổi tương lai toàn cầu

Blockchain sẽ thay đổi tương lai toàn cầu

(ĐTCK) "Dù tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới, phần nhiều ở khía cạnh tiêu cực, nhưng không nhiều người biết rằng, nền tảng công nghệ blockchain đằng sau nó mới thực sự có giá trị. Biết và hiểu về blockchain là điều nên làm vào thời điểm hiện tại", ông Nguyễn Văn Yêu, Trưởng nhóm phát triển dự án UHUB.io – một ứng dụng dựa trên nền tảng blockchain 3.0 chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.

Rất nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi blockchain là gì? Nó có phải tiền điện tử không? Vậy blockchain thực sự là gì và có lợi ích như thế nào, thưa ông?

Blockchain ra đời cách đây 9 năm. Hiểu đơn giản nó là sổ cái phân tác cho phép các giao dịch được hợp thức hóa mà không cần cơ sở dữ liệu trung gian.

Blockchain khiến người ta chú ý nhiều nhất khi đóng vai trò nền tảng cho các loại tiền điện tử. Kể từ khi xuất hiện vào năm 2008, blockchain đã khai sinh ra hơn 1.300 loại tiền điện tử, trong đó có bitcoin.

Một thời gian dài người ta xem tiền điện tử chủ yếu là phương tiện để đầu cơ, là “đồ chơi” cho các chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư và công cụ để rửa tiền cho nhiều loại hình tội phạm. Điều này dẫn đến việc trong một thời gian dài, blockchain bị đánh giá một cách kém tích cực, rất nhiều người chưa hiểu đúng và đồng nhất blockchain là tiền điện tử. Thực tế, blockchain có nhiều ý nghĩa hơn thế khi nó được sử dụng bởi các công ty và các thể chế tài chính.

Blockchain sẽ thay đổi tương lai toàn cầu ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Yêu. 

Blockchain không phải là tiền điện tử và nó có nhiều lợi ích khi được sử dụng đúng cách. Nhờ cung cấp một bản ghi số phân tán không cần có sự tin tưởng hoặc phối hợp giữa các công ty, nó loại bỏ được các bước trung gian trong giao dịch tài chính, tạo điều kiện số hóa hợp đồng.

Điều này giúp chuẩn hóa và an toàn giao dịch ngay lập tức, ngay cả khi giữa các quốc gia với nhau. Đồng thời, blockchain cũng giảm thiểu xung đột về mặt ngôn ngữ, mang lại lợi thế cho một số hoạt động như xuất nhập khẩu, giảm thiểu chi phí không cần thiết. Ngoài ra, nó còn có thể ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...

Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không?

Qua việc phát triển blockchain lên 2.0 và đặc biệt mới đây là 3.0, công nghệ này có thể giúp các ngân hàng lớn loại bỏ các hợp đồng trên giấy, các ngân hàng hối đoái, giúp hệ thống kỹ thuật số không bị tấn công, và nhanh chóng giải quyết các giao dịch. Những thay đổi này có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la mỗi năm.

Với doanh nghiệp, blockchain giúp số hóa và tối giản các bước quản lý nhân sự, quản lý hàng hóa, quản lý hồ sơ thông qua nhưng vẫn đảm bảo dữ liệu minh bạch chuẩn xác và bảo mật. Đồng thời, tiết giảm chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, nó giúp các thương gia trong ngành công nghiệp thương mại điện tử, những người không thuộc thị trường tập trung, tránh được những gánh nặng về tiềm lực kinh tế cũng như ngân sách quảng cáo, những thứ tối thiểu để tạo ra sự tin tưởng.

Điều này có được do blockchain hoạt động trên một mô hình phân phối ghi lại tất cả các giao dịch nhằm duy trì tính xác thực của thông tin trên một mạng lưới toàn cầu an toàn. Các cơ sở dữ liệu phân tán trên mạng lưới peer-to-peer, không có một ai là trung tâm, nên nếu tham gia, mọi người đều phải chấp nhận sự đúng đắn của một giao dịch trước khi nó được ghi lại.

Hiện nay, còn không ít ý kiến cộng đồng có cái nhìn thiếu thiện cảm với nền tảng công nghệ này. Theo ông vì sao?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi chủ yếu vì nó còn quá mới mẻ. Việc tiếp cận blockchain từ trước tới giờ mới chỉ qua tiền điện tử, điển hình là bitcoin. Với đặc tính ẩn danh nên bitcoin đã nhiều lần bị lợi dụng để rửa tiền và một số hoạt động tội phạm khác.

Tuy nhiên, thực tế qua sự phát triển lên blockchain 2.0, blockchain 3.0, không khó để kiểm soát tiền điện tử như nhiều người nghĩ. Thực tế đã có nhiều quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản nhận thức rõ về lợi ích của blockchain và tiền điện tử. Từ đó, họ tìm ra cách thức kiểm soát khá hiệu quả đối với nó.

Trong khi đó, tờ Economist tháng 6/2017 dẫn một khảo sát của IBM cho thấy, 9 trên 10 các cơ quan nhà nước trên thế giới được hỏi thừa nhận có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới.

Việc thừa nhận có ý nghĩa trong việc thiết lập lại trật tự và xây dựng được cơ chế giám sát, quản lý tiền số, cũng như giúp blockchain thể hiện được giá trị thực sự của mình cho xã hội. Đó cũng là mong muốn của những nhà nghiên cứu và phát triển ứng dụng trên nền tảng blockchain 3.0 như UHUB.io khi chúng tôi phát triển 3 hệ sinh thái gồm HUB Exchange, HUB marketplace và HUB Connector.

Mục tiêu của dự án không chỉ hướng tới tạo thuận lợi trao đổi tài chính, giao dịch thương mại điện tử, y tế, giáo dục... tại Việt Nam một cách minh bạch và được kiểm soát, mà còn hướng tới giải pháp để kiểm soát, quản lý blockchain tại Việt Nam.

Tất nhiên, hiện nay, điều đó còn phải phụ thuộc vào sự đồng thuận của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với tiềm năng phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, khung chính sách cũng sẽ có sự thay đổi để thích ứng với thời cuộc. 

Tin bài liên quan