BlackRock: Rủi ro địa chính trị tiềm tàng có thể đánh sập thị trường chứng khoán lúc bất ngờ nhất

BlackRock: Rủi ro địa chính trị tiềm tàng có thể đánh sập thị trường chứng khoán lúc bất ngờ nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) BlackRock cảnh báo, trong khi các nhà đầu tư lo lắng về việc giá cả tăng cao thì căng thẳng Mỹ - Trung bùng lên có thể khiến các nhà đầu tư bất ngờ.

BlackRock là công ty quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới với tài sản được quản lý khoảng 8.700 tỷ USD.

Hôm thứ Hai (24/5), Viện Đầu tư BlackRock cho biết trong một báo cáo rằng, Chỉ báo Rủi ro Địa chính trị độc quyền của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm do các nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào lạm phát và sự phục hồi kinh tế hơn là địa chính trị.

Điều đó đánh dấu sự chuyển hướng chú ý từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hay cuộc thử vũ khí của Triều Tiên sang lạm phát và hồi phục kinh tế.

“Chỉ số này đã nằm trong mức âm trong năm nay, điều này có nghĩa sự chú ý của nhà đầu tư đối với rủi ro địa chính trị thấp hơn mức trung bình của 4 năm qua. Kết quả là, các cú sốc địa chính trị có thể khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác hơn bình thường”, báo cáo cho biết.

Rủi ro địa chính trị bùng phát có thể có tác động lớn khi thị trường ít kỳ vọng nhất.

Một trong những rủi ro lớn mà thị trường có thể bỏ qua là cuộc chiến về công nghệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích lưu ý rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục lập trường cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc với việc "tập trung vào các công nghệ quan trọng", trong khi Bắc Kinh đang ưu tiên sự tự cường trong lĩnh vực công nghệ.

“Chúng tôi nhận thấy khả năng cao là sự tách rời giữa các lĩnh vực công nghệ của Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng tốc về quy mô và phạm vi,” báo cáo cho biết và lưu ý rằng, các nhà đầu tư đang dành “sự chú ý tương đối thấp” đối với rủi ro ngành công nghệ đó.

Chỉ báo rủi ro địa chính trị của BlackRock được tính bằng hai số liệu. Một là hệ thống tính điểm dựa trên máy tính cho các mệnh đề tích cực và tiêu cực về rủi ro địa chính trị trong các báo cáo và các câu chuyện tin tức tài chính. Hai là mô hình cho tác động tiềm năng trong một tháng từ các sự kiện địa chính trị đối với tài sản toàn cầu.

Hai thước đo sau đó được kết hợp để tạo ra một chỉ báo. Chỉ số dương và gần 1 sẽ cho biết hiệu suất thị trường phù hợp với dự đoán của mô hình về phản ứng đối với các rủi ro địa chính trị. Chỉ số âm phản ánh thị trường đang di chuyển theo hướng ngược lại với những gì mô hình dự đoán.

Mặc dù BlackRock không tiết lộ mức chính xác của chỉ số, nhưng họ cho biết, chỉ báo này lần đầu tiên chuyển sang âm trong năm nay kể từ năm 2017, điều này có nghĩa sự tập trung của các nhà đầu tư vào rủi ro địa chính trị đã giảm xuống dưới mức trung bình của 4 năm qua.

Theo BlackRock, ba rủi ro địa chính trị có thể xảy ra nhất của chỉ báo là:

Sự tách biệt của các ngành công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

Một cuộc tấn công mạng lớn.

Khủng hoảng chính trị ở các thị trường mới nổi do các quốc gia không có khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19.

Kế đó là căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng do vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). BlackRock không kỳ vọng sẽ xảy ra “cuộc đọ sức quân sự” đối với Đài Loan trong năm nay, nhưng cho biết, căng thẳng gây ra “rủi ro đáng kể trong trung và dài hạn”.

Dự đoán thị trường

Các nhà phân tích của BlackRock cho biết, sự cạnh tranh về công nghệ ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến cả hai chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và khiến nó trở thành “chìa khóa để đầu tư vào cả hai cực này của tăng trưởng toàn cầu”.

Trong một báo cáo riêng, BlackRock đưa ra kỳ vọng về phản ứng của thị trường đối với các rủi ro địa chính trị khác.

BlackRock dự kiến ​​đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ suy yếu nếu sự tách rời giữa các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc tăng tốc. Các nhà phân tích dự đoán đồng USD sẽ mạnh lên và cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích của Mỹ sẽ giảm nếu có một cuộc tấn công mạng lớn và cổ phiếu hàng tiêu dùng chủ lực của Mỹ Latinh sẽ tăng nếu có khủng hoảng chính trị ở các thị trường mới nổi.

Các chỉ số chứng khoán toàn cầu đã tăng trong năm nay khi các nền kinh tế lớn nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Chỉ số VIX, một thước đo mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 19% trong năm nay.

Trong thời gian tới, BlackRock cho biết, việc các thị trường tập trung nhiều hơn vào sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 và triển vọng lạm phát là hợp lý.

Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng: "Các bùng phát rủi ro địa chính trị có thể có tác động lớn khi thị trường ít kỳ vọng về vấn đề này nhất”.

Tin bài liên quan