Bitcoin có năm thắng lớn

Bitcoin có năm thắng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2020 chứng kiến sự thăng hoa của Bitcoin. Không chỉ các nhà đầu tư giàu có, mà cả các công ty công nghệ đã bỏ vốn vào đồng tiền điện tử này.

Tăng giá tới 170%

USD vẫn đang là đồng tiền được ưa thích nhất trên thế giới, không có gì phải nghi ngờ. Đây là đồng tiền chính trong quỹ dự trữ ngoại tệ của mọi ngân hàng trung ương trên toàn cầu, thống trị các giao dịch tiền tệ. USD là đồng tiền pháp định, với nguồn cung được quyết định bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng Mỹ.

Tuy vậy, theo phương pháp đo lường cơ bản nhất, chỉ số đo sức mạnh đồng USD của Bloomberg cho thấy, USD đã giảm giá khoảng 4% trong năm 2020. Cùng quãng thời gian này, tính theo đồng USD, giá Bitcoin - một đồng tiền điện tử nổi tiếng đã tăng hơn 170%.

Đà tăng giá chóng mặt của Bitcoin trong năm vừa qua khiến không ít người bất ngờ. Tới tối ngày 17/12/2020, giá trị đồng tiền kỹ thuật số này đã vượt mốc 23.000 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Điều này khiến giới đầu tư nhớ lại thời điểm năm 2017, khi cơn sốt Bitcoin đẩy giá đồng tiền này lên mức 20.000 USD để rồi sau đó lao dốc mạnh.

Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt trong lần tăng giá này và điều quan trọng nhất chính là Bitcoin đã “lay chuyển” suy nghĩ của không ít người bảo thủ.

Tháng 2/2018, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, Nouriel Roubini, nhà kinh tế tại Đại học New York nhận định, Bitcoin là “bong bóng lớn nhất trong lịch sử nhân loại” và rằng giá của đồng tiền này sẽ chạm tới đáy bằng 0. Tám tháng sau đó, Roubini thậm chí phát biểu trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng Bitcoin là trò bịp bợm.

Tới cuối năm 2020, giá Bitcoin giao dịch ở mức hơn 23.000 USD, tăng gần 6 lần so với đầu năm.

Vậy nhưng, tới tháng 11/2020, giọng điệu của nhà kinh tế này đã thay đổi. Theo đó, ông đánh giá, “có thể Bitcoin là một phần của hệ thống lưu trữ giá trị, nó không dễ bị đánh bại, ít nhất là về mặt thuật toán”.

Roubini không phải là người duy nhất đảo ngược định kiến với Bitcoin trong năm 2020. Nhiều nhà đầu tư tên tuổi khác cũng thay đổi “thái độ” với Bitcoin như Paul Tudor Jones (tỷ phú, nhà quản lý quỹ, huyền thoại đầu tư Phố Wall), Stan Druckenmiller (được mệnh danh là cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất lịch sử) và Bill Miller (vua của giới quản lý quỹ tương hỗ).

Ngay cả Ray Dalio (ông chủ quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới) cũng thừa nhận, “đã từng có khoảng thời gian bỏ lỡ mất điều gì đó về Bitcoin".

Vậy điều gì đang diễn ra?

Không có gì ngạc nhiên khi nhận ra, đại dịch Covid-19 đã gia tăng tốc độ bước vào thế giới kỹ thuật số trên toàn cầu.

Trong 10 tháng, chúng ta đã có bước tiến mà cần mất 10 năm để tiến hành. Những người e ngại rủi ro khi chuyển tiền online buộc phải thử nghiệm cách thức này khi chính phủ áp dụng lệnh giãn cách xã hội để phòng dịch, hay đơn giản là ngân hàng đóng cửa.

Càng tiếp xúc với thế giới kỹ thuật số, người tiêu dùng càng có mong muốn được tận hưởng những tiến bộ công nghệ, cũng như được đảm bảo an toàn trên thế giới ảo. Cả hai yêu cầu này đều thúc đẩy sự phát triển của thị trường Bitcoin.

Đáng chú ý, một trong những thế mạnh lớn của Bitcoin càng trở nên sáng giá trong bối cảnh hiện tại - mục tiêu ban đầu tạo ra Bitcoin không phải để tạo ra đồng tiền mới, mà là cung cấp một loại tài sản an toàn, có khả năng bảo vệ tài sản của chính chủ trước nhiều rủi ro, biến động.

Đây cũng là lý do đồng Bitcoin gia tăng sức hút trong năm 2020, khi không chỉ các nhà đầu tư giàu có, mà các công ty công nghệ cũng rót tiền vào loại tài sản này, coi đó là nơi lưu giữ tài sản, thay vì chỉ là công cụ thanh toán.

Trong tháng 7/2020, Michael Saylor, tỷ phú, người sáng lập MicroStrategy chỉ đạo Công ty giảm bớt phần dự trữ tiền mặt sang các loại tài sản khác. Tới tháng 9/2020, MicroStrategy đã mua khoảng 425 triệu USD Bitcoin.

Mới đây nhất, giữa tháng 12/2020, Coindesk xác nhận Ruffer - nhà quản lý tài sản tại Anh đã tích luỹ khoảng 550 triệu bảng Anh Bitcoin kể từ tháng 11. Loại tài sản này chiếm 2,7% tổng giá trị tài sản dưới sự quản lý của Ruffer.

Trong khi đó, Công ty dịch vụ thanh toán Square đã mua khoảng 50 triệu USD Bitcoin trong tháng 11/2020 và nổi bật nhất là việc PayPal thông báo người tiêu dùng Mỹ có thể mua, nắm giữ và bán Bitcoin thông qua ví điện tử PayPal.

Hiện tại, có ba vấn đề tồn tại với hệ thống Bitcoin. Thứ nhất, xét về phương diện thanh toán, tốc độ của các giao dịch rất chậm. Bitcoin blockchain chỉ có thể xử lý khoảng 3.000 giao dịch mỗi 10 phút. Thứ hai, phí giao dịch không hề rẻ: các sàn giao dịch thu phí 1,49% giao dịch nếu muốn mua 1 Bitcoin.

Thứ ba, các thuật toán “đào” Bitcoin đòi hỏi máy tính với chip đặc biệt, tiêu thụ lượng lớn năng lượng - khoảng 60 TWh mỗi năm, tương đương một nửa lượng điện tiêu thụ trong năm của Argentina. Bên cạnh vấn đề môi trường, câu chuyện năng lượng khiến một số ít khu vực được hưởng lợi trong công cuộc đào Bitcoin nhờ giá điện rẻ, nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, ba bất lợi trên bị lu mờ bởi những ưu điểm khác: Bitcoin là nơi cất giữ tài sản an toàn, có tính bảo mật rất cao, giao dịch không chịu sự can thiệp…

Dự báo cho Bitcoin 2021

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020, giá Bitcoin ở mức dưới 4.000 USD. Vậy nhưng, tới cuối năm, đồng tiền điện tử này giao dịch ở mức hơn 23.000 USD. Bước sang năm 2021, con đường phía trước của Bitcoin ra sao? CNBC đã thực hiện khảo sát với các chuyên gia fintech và đưa ra một số dự báo.

Được chấp nhận ở nhiều nơi hơn

Năm 2020 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Bitcoin, không chỉ về giá, mà còn được các công ty như Square, Paypal, cùng một công ty fintech triển vọng khác tham gia sâu hơn vào thị trường, chấp nhận như một công cụ thanh toán.

Năm 2021, sự chấp thuận này sẽ càng được mở rộng. Một số ngân hàng của Mỹ và châu Âu thông báo đang thử nghiệm hệ thống cho phép khách hàng cất giữ tài sản dưới dạng tiền điện tử, thậm chí có khả năng thực hiện giao dịch trao đổi Bitcoin.

Cạnh tranh gia tăng

Bitcoin không phải đồng tiền điện tử duy nhất nở rộ trong năm 2020, bởi đây cũng là quãng thời gian đồng tiền điện tử được chính phủ Trung Quốc thực hiện có bước tiến chóng mặt.

Không nơi nào trên thế giới có quy mô hệ thống thanh toán qua di động lớn như Trung Quốc, nhờ vào sự tăng trưởng vượt bậc của Alipay và WeChat Pay. Hai nền tảng thanh toán này hiện xử lý tới gần 40.000 tỷ USD giao dịch mỗi năm, cao hơn gấp đôi so với cả Visa và MasterCard cộng lại, theo số liệu của Ribbit Capital.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đẩy mạnh việc phát hành đồng tiền điện tử, tạo khả năng sử dụng nhân dân tệ điện tử trong hệ thống thanh toán trong nước và xuyên biên giới.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, 80% các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang có dự án đồng tiền điện tử và Trung Quốc đang là quốc gia đi xa nhất.

Vào ngày 7/12/2020, thành phố Tô Châu phát miễn phí 20 triệu nhân dân tệ (3 triệu USD) tiền điện tử cho người dân nhằm mở rộng và đẩy nhanh thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Số tiền này có thể sử dụng tại gần 10.000 điểm mua sắm, cũng như trang thương mại điện tử của JD.com Inc.

Trước đó, vào tháng 10, Thâm Quyến cũng thực hiện thử nghiệm tương tự với quy mô phát tiền là 10 triệu nhân dân tệ và 3.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều nuôi tham vọng về đồng tiền điện tử của chính mình. Cho tới nay, nổi bật nhất vẫn là đồng Diem của Facebook.

Xuất hiện các quy định mới

Cùng với sự chấp thuận của nhiều đối tượng trên thị trường tài chính, các quy định mới trên sân chơi Bitcoin sẽ sớm hình thành và được áp dụng. Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu tiền điện tử cũng cho thấy, giới chức quản lý đã nhập cuộc và sẽ sớm có các quy định rạch ròi.

Tính bất ổn duy trì

Do không có gắn kết giá trị với bất kỳ điều gì cụ thể trên thế giới (như chính sách tiền tệ, vật ngang giá…), giá Bitcoin có thể biến động theo cách thức khó có thể dự đoán hay giải thích.

Xét trên phương diện đầu tư, có những dự báo nhận định giá Bitcoin sẽ chạm tới ngưỡng 50.000 USD trong năm 2021. Trong khi số khác đông không kém cho rằng, Bitcoin sẽ đảo chiều.

Tính bất ổn là một đặc trưng của Bitcoin và điều này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Tin bài liên quan