Bình ổn từ gốc

(ĐTCK-online) Từ hai tuần qua, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới với khoảng cách liên tục giãn ra từ 1,5 triệu đồng lên đến 5 triệu đồng/lượng.

Còn nhớ, cách đây 2 tháng, khi mới nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát biểu rằng: "Nhiệm vụ của NHNN là phải ngăn chặn được hoạt động đầu cơ, làm giá trên thị trường, gây thiệt hại cho người nắm giữ cũng như mua - bán vàng. Trong khi chờ quy định mới về vàng, NHNN sẽ đảm bảo cung - cầu ở mức hợp lý, trong mọi trường hợp, giá nội địa không cao hơn giá vàng quốc tế". Cũng theo Thống đốc, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ.

Trong đợt biến động giá vàng lần này, NHNN đã cho nhập vàng về nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, việc nhập vàng có thể kéo theo hệ lụy là làm giảm dự trữ ngoại tệ. Việc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới cũng làm cho nhu cầu nhập vàng lậu tăng lên. Cả hai yếu tố này đều tạo sức ép lên tỷ giá.

Giá vàng đang bị đầu cơ nghiêm trọng, nhưng biện pháp cho nhập khẩu vàng để bình ổn giá đã không còn mấy hiệu quả. Nếu chấp nhận nhập vàng số lượng lớn, NHNN sẽ phải đánh đổi một cái giá không nhỏ là tỷ giá chịu sức ép điều chỉnh. Trong quá khứ, mỗi lần tỷ giá tự do cao hơn tỷ giá chính thức là sức ép giá phá VND lại tăng lên. Lần này, lại có những thông điệp về việc hết năm nay, sẽ không điều chỉnh tỷ giá chính thức. Vậy bước sang năm mới, liệu tỷ giá có biến động như câu chuyện của đầu năm nay?

Không thể phủ nhận nhu cầu đầu tư vàng của người dân là chính đáng. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhu cầu ấy và biến động giá vàng quốc tế không tác động tiêu cực đến tỷ giá và nền kinh tế chung? Một cơ chế xuất nhập khẩu vàng tự động có đủ để đạt được mục tiêu này khi dự trữ ngoại tệ của ta còn mỏng?

Chứng khoán, vàng, ngoại tệ và các loại hàng hóa cơ bản khác là kênh đầu tư phổ biến trên thị trường tài chính thế giới. Dòng vốn của nhà đầu tư luôn luân chuyển giữa các thị trường này. Thị trường vàng đã liên thông ở các nước. Còn ở nước ta, các kênh đầu tư còn hạn hẹp, mới chỉ có TTCK và thị trường hàng hóa cơ bản ở mức sơ khai, vì thế, vốn còn hẹp đường để luân chuyển. Khi tắc ở chứng khoán, vốn chảy sang vàng, nhưng cửa vào chật hẹp nên dồn ứ, bế tắc… tạo ra tác động tiêu cực. 

Vấn đề mấu chốt vẫn là ở cơ chế quản lý thị trường vàng. Các chính sách mới liên quan đến vàng liệu có chấp nhận vàng là một kênh đầu tư của dân chúng và là một trong những kênh luân chuyển vốn nhà đầu tư, để từ đó xây dựng chính sách, góp phần tạo lập được thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới, có sự quản lý của Nhà nước? Các giải pháp tình huống và tâm lý như nhập khẩu vàng, công bố nhập khẩu vàng và bán vàng để bình ổn giá chắc chắn sẽ không tạo ra nền tảng lành mạnh cho thị trường vàng.