Biến thể Omicron khuếch đại xu hướng bán tháo trong thị trường đầu cơ

Biến thể Omicron khuếch đại xu hướng bán tháo trong thị trường đầu cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lo lắng về biến thể Omicron đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Sau đợt bán tháo tại các thị trường cổ phiếu châu Á và châu Âu với việc phát hiện ra biến thể Omicron, chỉ số Dow Jones vào thứ Sáu (26/11) đã giảm 2,5% và là mức giảm mạnh nhất trong năm nay. Các cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng và tài chính là những cổ phiếu bị bán tháo mạnh nhất.

Trong khi đó, giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên sau gần hai tháng với mức giảm hơn 10% trong ngày 26/11.

Các nhà đầu tư đã bán bớt các tài sản rủi ro từ cổ phiếu, dầu mỏ đến tiền điện tử và chuyển vào tài sản mang tính trú ẩn an toàn tương đối là trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức 1,48% vào một thời điểm trong ngày 26/11, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 khi làn sóng đầu tiên của đại dịch xuất hiện khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Với việc các nền kinh tế mở cửa trở lại và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các tài sản rủi ro và dẫn đến một đợt tăng giá chứng khoán toàn cầu trong năm nay.

Theo Bank of America, dòng vốn ròng đổ vào quỹ đầu tư chứng khoán đạt tổng cộng 893 tỷ USD tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay và đang trên đà lập kỷ lục cả năm. Thị trường cổ phiếu đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tiền đầu cơ nên do đó áp lực bán tháo khi có tin tức xấu sẽ có xu hướng được phóng đại hơn.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết: “Thị trường đã được nhắc nhở về những bất ổn xung quanh đại dịch Covid-19”.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi đã khiến các quốc gia châu Âu và châu Á và Mỹ hạn chế đi lại từ quốc gia này và các khu vực xung quanh.

Giới đầu tư hiện đã tập trung vào triển vọng lạm phát và chính sách tiền tệ. Ngày càng có nhiều suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm đẩy nhanh việc giảm bớt chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất.

Daisuke Karakama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại Mizuho Bank cho biết: “Nếu các hạn chế về di chuyển được đặt ra trên toàn thế giới, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ ở Mỹ và trên toàn cầu”.

Công cụ FedWatch dự đoán chính sách tiền tệ dựa trên lãi suất trong tương lai cho thấy khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ba lần hoặc nhiều hơn vào cuối năm 2022 ở mức 67% vào thứ Tư (24/11). Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp nhất là 14,5% vào thứ Sáu (26/11) khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng sau khi biến thể Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dán nhãn là một biến thể đáng lo ngại. Ngược lại, khả năng một hoặc hai lần tăng lãi suất trong năm 2022 đã lên tới 61%.

"Nếu có một sự gián đoạn tài chính, hoặc nếu một lần nữa bùng phát đại dịch và một đợt đóng cửa, đó là những sự kiện rõ ràng sẽ thay đổi quan điểm của chúng ta về thế giới", nhà kinh tế trưởng Huw Pill của Bank of England cho biết trong một bài phát biểu hôm 26/11.

Bên cạnh đó, các số liệu việc làm mới nhất của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 3/12. Nếu báo cáo việc làm mới nhất xác nhận sự phục hồi lành mạnh, khả năng thị trường sẽ kỳ vọng về việc Fed tăng tốc thực hiện giảm chương trình mua tài sản.

Nhưng với sự xuất hiện của biến thể Omicron là ẩn số khó lường, giới đầu tư đang gặp khó khăn hơn trong việc dự báo chính sách tiền tệ và thị trường chứng khoán. Chỉ số biến động VIX đo lường mức độ sợ hãi của giới đầu tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, đồng thời mức tăng mạnh cũng phản ánh sự không chắc chắn của nhà đầu tư đối với triển vọng tương lai của thị trường.

Tin bài liên quan