WHO cho biết biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu rất cao. Ảnh minh họa: Getty Images.

WHO cho biết biến thể Omicron có nguy cơ lây nhiễm trên toàn cầu rất cao. Ảnh minh họa: Getty Images.

Biến thể Omicron khiến nhiều nước phải thay đổi kế hoạch ứng phó với đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
Biến thể virus SARS CoV-2 mang tên Omicron, đang lan nhanh ra khắp thế giới bất chấp các biện pháp ngăn chặn và ứng phó ban đầu của các quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tiếp phải đưa ra những lời cảnh báo về loại biến thể đột biến, có khả năng lây nhiễm cao Omicron. Tiêm vaccine, tiêm liều vaccine tăng cường chính là lời kêu gọi được quốc tế đồng loạt đưa ra cho người dân. Còn đối với các hãng sản xuất vaccine Covid-19, hãy lên phương án bào chế loại mới một cách chi tiết.

Hàng chục quốc gia, ở cả 5 châu lục đã báo cáo xuất hiện các ca bệnh nhiễm biến thể Omicron. 6 bang ở Mỹ vừa thông báo các ca nhiễm bất chấp việc nước này đã có những biện pháp ứng phó từ rất sớm. Tại khu vực Đông Nam Á, 2 quốc gia là Singapore và Malaysia đã ghi nhận những trường hợp đầu tiên, đều là những hành khách đến từ Nam Phi.

Hôm qua, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - ông Takeshi Kasai khuyến cáo các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng đầy đủ cho người dân, để chuẩn bị đối phó với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.

“Các biện pháp kiểm soát ở biên giới có thể trì hoãn việc virus xâm nhập. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp câu giờ, mọi quốc gia phải chuẩn bị cho những đợt bùng phát mới trong các trường hợp”.

Cũng kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng để ứng phó với Omicron, ông Mike Ryan - giám đốc các tình huống khẩn cấp của WHO cho biết, hiện không có bằng chứng cho thấy các loại vaccine đang lưu hành cần phải sửa đổi để chống lại Omicron. Do đó, theo ông, việc đẩy mạnh tiêm chủng là hết sức cần thiết.

Trên thực tế, nhiều nước vẫn rất cố gắng để tăng tỷ lệ tiêm chủng, thậm chí bắt đầu các chiến dịch tiêm liều tăng cường cho các nhóm đối tượng khác nhau; thay vì một số quan điểm cho rằng điều đó chưa cần thiết trước đây.

Hiện WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron. Song một viễn cảnh xấu đã được cảnh báo, đó chính là vaccine không còn hiệu quả với Omicron.

Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier kêu gọi các hãng dược phẩm nên chuẩn bị cho “kịch bản” phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện hành nhằm ứng phó với biến thể mới: “Chúng tôi khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine bắt đầu lập kế hoạch cho khả năng phải điều chỉnh vaccine. Điều đó thật tốt khi chúng ta không ngồi đợi cho đến khi tiếng chuông báo thức cuối cùng vang lên”.

Đây cũng là khuyến nghị của Chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Chính phủ Mỹ - Tiến sĩ Antony Fauci: “Chúng tôi đang làm việc với các công ty dược phẩm, đặc biệt là với Moderna, Pfizer và J&J về các kế hoạch dự phòng của họ, việc điều chỉnh đối với các loại vaccine họ có. Chẳng hạn, có một loại vaccine tổng hợp khả năng ngăn ngừa cả biến thể mới, cũ. Họ có thể sẽ phải làm điều đó hoặc chuẩn bị cho điều đó”.

Tính đến nay, vẫn chưa có báo cáo tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron. Tuy nhiên, dường như, loại biến thể này đang làm tăng số ca mắc bệnh ở nhóm người trẻ tuổi.

Việc xuất hiện biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao cũng đã khiến Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra nhận định quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bị chậm lại. Trong khi, ngành du lịch thế giới vừa tưởng được hồi sinh lại một lần nữa phải thở dài khi nhiều nước quy trở lại biện pháp phong tỏa như một cách thức ứng phó. Mùa lễ Giáng sinh, năm mới đang tới gần có lẽ cũng chưa thể rộn ràng trở lại.

Tin bài liên quan