Biến khủng hoảng thành cơ hội

Biến khủng hoảng thành cơ hội

(ĐTCK) 70% người được hỏi cho rằng, sở hữu tư nhân nên là cơ cấu sở hữu chính của DN.

Chương trình tái cấu trúc của Việt Nam tập trung vào 3 nhóm: ngân hàng, DNNN và đầu tư công. Bài viết của ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tập trung vào nhóm DNNN và đầu tư công. ĐTCK giới thiệu bài viết này như một gợi ý chính sách của nhóm chuyên gia WB.

Việt Nam bước vào năm 2012 với những thách thức như: bất ổn kinh tế vĩ mô, niềm tin bị lung lay, nhu cầu ảm đạm, hiệu quả và công suất đầu tư thấp. Chương trình tái cấu trúc của Việt Nam tập trung vào 3 nhóm: ngân hàng, DNNN và đầu tư công cho thấy, những “căn bệnh” đã được nhận diện. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để biến nhận diện thành hành động.

Trước hết, xin được đề cập tới nhóm DNNN. DNNN là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhưng kém hiệu quả nguồn vốn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia WB cho thấy, với một đồng tiền vốn, các DNNN chỉ mang lại một đồng lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp khác mang lại 21 đồng lợi nhuận. Với một đơn vị lao động, các DNNN mang lại 1,7 đơn vị lợi nhuận, trong khi các doanh nghiệp khác mang lại 16,3 đơn vị lợi nhuận.

Bất chấp việc sở hữu nhà nước đang ngày càng giảm bớt, Nhà nước không chỉ kiểm soát các lĩnh vực quan trọng, mà còn hiện diện một cách đáng kể trong nhiều hoạt động thương mại. Trong khi đó, theo khảo sát của WB và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về thay đổi thái độ đối với thị trường và Nhà nước, trong 967 người được hỏi đến từ các lĩnh vực xã hội khác nhau, phần lớn (70%) người được hỏi cho rằng, sở hữu tư nhân nên là cơ cấu sở hữu chính đối với các doanh nghiệp.

Đổi mới khối DNNN, theo nhóm chuyên gia của WB, nên xác định và phân loại toàn bộ 3.400 DNNN thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp cần cổ phần hóa ngay lập tức (đến 100%). Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp cần tái cấu trúc sau đó mới cổ phần hóa (đến 49%). Nhóm 3 là các doanh nghiệp thuộc 100% vốn sở hữu nhà nước.

Bên cạnh đó, áp dụng một khung đổi mới toàn diện, bao gồm: chính sách công bố thông tin mới cho các DNNN (cả các tập đoàn kinh tế nhà nước); điều tiết hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại; đẩy nhanh cổ phần hóa các DNNN; đề cao trách nhiệm giải trình bằng cách tặng thưởng cho các doanh nghiệp hoạt động tốt và xử phạt các doanh nghiệp không tuân thủ; xây dựng một khung giám sát hiệu quả.

Với lĩnh vực đầu tư công, 5 năm trở lại đây cho thấy có tình trạng bùng nổ đầu tư, nhưng không mang lại tăng trưởng tương xứng. Đơn cử như đầu tư khu công nghiệp, tốc độ xây dựng các khu công nghiệp vượt quá nhu cầu về khu công nghiệp trong tương lai gần; tỷ lệ sử dụng không chỉ thấp, mà còn giảm, mặc dù một số khu công nghiệp vẫn đang hoạt động hiệu quả hơn các khu khác. Ghi nhận cho thấy, tỷ lệ sử dụng 60% với các khu công nghiệp mới đã được coi là thành công.

Hay như sự thất bại của việc cải tạo hệ thống cảng TP. HCM. Cảng tọa lạc tại vùng đất trước bờ sông trong quận trung tâm, giới hạn cầu cảng và chiều dài ngăn cản các thuyền lớn cập cảng, đồng thời gây ra các vấn đề lớn về giao thông. Việc di dời được đề xuất đầu tiên vào cuối thập niên 1990 với sự chấp thuận của các đối tượng có liên quan chính, nhưng một năm sau thời hạn, tất cả các cảng vẫn nằm nguyên tại chỗ, ngoại trừ một cảng duy nhất.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công là yêu cầu sống còn. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn các lĩnh vực gồm tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc minh bạch tài chính; nâng cao tính toàn diện, độ tin cậy và tính kịp thời của thông tin tài chính; củng cố năng lực của các cơ quan giám sát; nâng cao khả năng dự báo thông tin kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là cải thiện các yếu kém trong khâu thực hiện/thực thi các chính sách.