Tại ĐHCĐ Eximbank ngày 27/4 vừa qua, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank - bà Lương Thị Cẩm Tú đã được bầu vào HĐQT Eximbank. Được biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 1 trong số 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank lần này.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, đã có ý kiến về việc tìm kiếm tổng giám đốc mới để phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng trong thời gian tới.
Trước đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank. Ông Vinh là người của Techcombank, từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh vùng và sau đó là Phó tổng giám đốc Techcombank. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, khả năng ông Vinh sẽ ngồi vào vị trí “ghế nóng” Tổng giám đốc Eximbank trong thời gian tới.
Tại ĐHCĐ của BIDV vừa diễn ra, nhân sự cấp cao cũng là một trong những nội dung quan trọng được mang ra bàn thảo. Theo đó, HĐQT BIDV đã trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên. Đồng thời, bầu bổ sung ông Phạm Quang Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam - VDB) làm Thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.
Trước câu hỏi của cổ đông về vị trí Chủ tịch HĐQT BIDV đã bỏ trống gần 2 năm qua, Tổng giám đốc Phan Đức Tú trả lời, theo quy định, Đại hội bầu bổ sung thành viên HĐQT (bầu thêm ông Phạm Quang Tùng, nâng số thành viên HĐQT lên 9 người) và HĐQT sẽ bầu 1 người giữ chức Quyền Chủ tịch HĐQT.
"Đối với ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT phụ trách điều hành HĐQT BIDV, sau khi nghỉ hưu sẽ có người thay thế nắm giữ chức danh Quyền Chủ tịch HĐQT. Khi đó, BIDV sẽ công bố thông tin cụ thể", ông Tuấn nói.
Như vậy, có thể thấy, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT BIDV sẽ vẫn còn bỏ trống, ít nhất là trong thời gian này.
Tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2018 vừa diễn ra, HĐQT Kienlongbank đã nhất trí bầu ra 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2018-2022, bao gồm: Bà Trần Tuấn Anh, ông Lê Khắc Gia Bảo, ông Bùi Thanh Hải, bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương, ông Phạm Trần Duy Huyền, ông Mai Hữu Tín, ông Trần Văn Trọng và ông Lê Trung Việt thuộc HĐQT; ông Nguyễn Cao Cường, ông Nguyễn Thanh Minh và ông Đặng Minh Quân thuộc Ban Kiểm soát.
Theo đó, các thành viên HĐQT đã thống nhất bầu ông Lê Khắc Gia Bảo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ mới, thay cho ông Võ Quốc Thắng thôi giữ chức vụ này.
Sau ông Thắng, đến lượt ông Vũ Văn Tiền của ABBank cũng không chọn ngân hàng, mà “ưu tiên” doanh nghiệp hơn. Cụ thể, tại ĐHCĐ 2018 mới đây, ông Vũ Văn Tiền đã tuyên bố thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ABBank nhiệm kỳ mới, dù đã trúng cử. Thay vào đó, ông Đào Mạnh Kháng, Phó chủ tịch HĐQT được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay ông Tiền.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc ngân hàng không được làm giữ các chức vụ tương đương ở các doanh nghiệp khác, tức là các "ông chủ" chỉ được chọn hoặc ngân hàng, hoặc doanh nghiệp.
Để tuân thủ quy định này, thời gian qua, nhiều doanh nhân đã quyết định rời bỏ doanh nghiệp - nơi đã làm lên tên tuổi của mình, để chọn ngân hàng như ông Dương Công Minh rời Him Lam để làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đỗ Quang Hiển rời T&T làm Chủ tịch HĐQT SHB... Ngược lại, cũng có người quyết định bỏ ngân hàng để chọn doanh nghiệp như ông Vũ Văn Tiền (chọn Geleximco), ông Võ Quốc Thắng (chọn Đồng Tâm)...
Đến nay, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã có hiệu lực hơn 3 tháng, song vẫn còn nhiều người cùng lúc làm lãnh đạo cả ngân hàng và doanh nghiệp như bà Lê Thị Băng Tâm hiện kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT HDBank và Vinamilk, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là Phó chủ tịch HĐQT HDBank, vừa là Tổng giám đốc VietJet Air, bà Nguyễn Thị Nga kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT SeABank và BRG Group… Bởi vậy, thời gian tới thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều thay đổi tại các vị trí lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc như hiện nay, nhân sự cấp cao ngành này sẽ khó có thể ổn định. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhu cầu về nguồn nhân lực cấp cao của ngành luôn tồn tại, song không dễ kiếm tìm, bởi hoạt động ở lĩnh vực này luôn có rủi ro.