Biến chủng Omicron đang lây lan mạnh mẽ trên toàn thế giới khi Giáng sinh và năm mới đến gần. Tỷ lệ mắc COVID-19 trong tuần qua trên toàn nước Mỹ tăng lên 60.000 người/ngày, cao hơn 57% so với thời điểm đầu tháng 12 trong khi số người nhập viện tăng 26% trong tháng.
Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm thứ Hai cũng cho biết, biến chủng Omicron chiếm 73,2% các trường hợp mắc mới trong tuần qua, chính thức là biến thể thống trị ở Mỹ.
Với khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm mới sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 1,5 - 3 ngày ở những khu vực có sự lưu hành ngoài cộng đồng của biến thể này.
Trong khi đó, tại châu Âu, Anh cho biết sẽ thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa để làm chậm sự lây lan của biến thể Omicron nếu cần, sau khi Hà Lan bắt đầu đợt phong toả lần thứ tư và nhiều nước châu Âu khác cũng xem xét áp dụng các biện pháp giãn cách trở lại.
"Thông thường, những gì xảy ra ở châu Âu là một bản xem trước cho những gì sẽ thấy ở Mỹ. Vì vậy, nếu số ca nhiễm ở Mỹ vẫn không ngừng tăng, gây áp lực lên hệ thống y tế, Mỹ rất có thể sẽ lại đóng cửa thêm một lần nữa”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, cho biết.
Mặt khác, cuối tuần qua, Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin tuyên bố không ủng hộ dự luật chi tiêu xã hội 1.750 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Quyết định của Joe Manchin được coi là đòn chí mạng đối với dự luật chi tiêu trị giá 1.750 tỷ USD do nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất khi để dự luật được thông qua ở Thượng viện, ông cần toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận, do 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố sẽ phản đối.
Sau tuyên bố của Joe Machin, Goldman Sachs hạ dự báo GDP hàng quý cho năm 2022 của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, GDP quý I/2022 hạ từ 3% xuống 2%, quý II từ 3,5% xuống 3% và quý III từ 3% xuống 2,75%.
Manchin, một đảng viên Dân chủ ôn hòa, dường như đã giáng một đòn chí mạng vào dự luật chính sách Xây dựng trở lại tốt hơn (BBB) của Biden vào Chủ nhật, nhằm mở rộng mạng lưới an toàn xã hội và đối phó với biến đổi khí hậu.
Tất cả các lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm điểm trong phiên đêm qua.
3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa sắc đỏ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Nasdaq Futures và Dow Futures đang có xu hướng đi lên.
Kết thúc phiên 20/12, chỉ số Dow Jones giảm 433,28 điểm (-1,23%), xuống 35.927,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 52,62 điểm (-1,14%), xuống 4.568,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 188,74 điểm (-1,24%), xuống 14.980,94 điểm.
Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên ngày thứ Hai đầu tuần khi bóng đen đại dịch bủa vây khiến thị trường lo lắng cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhiều nước châu Âu khác đang cân nhắc áp dụng các biện pháp siết chặt vào dịp Giáng sinh.
Kết thúc phiên 20/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 71,89 điểm (-0,99%), xuống 7.198,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 292,02 điểm (-1,88%), xuống 15.239,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 56,53 điểm (-0,82%), xuống 6.870,10 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm do ảnh hưởng từ phiên lao dốc của phố Wall cuối tuần trước bởi sự lây lan của biến thể Omicron làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do động thái cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc không thể nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng do ảnh hưởng từ đà lao dốc của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần do những lo ngại dâng cao về biến thể Omicron khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán cổ phiếu.
Kết thúc phiên 20/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 607,87 điểm (-2,13%), xuống 27.937,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 38,76 điểm (-1,07%), xuống 3.593,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 447,77 điểm (-1,93%), xuống 22.744,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 54,73 điểm (-1,81%), xuống 2.963,00 điểm.
Giá vàng đêm qua giảm trong bối cảnh đầu tư thận trọng đánh giá tác động của việc số ca nhiễm biến chủng Omicron tăng vọt và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất khi lạm phát cao.
Kết thúc phiên 20/12, giá vàng giao ngay giảm 7,40 USD (-0,41%), xuống 1.791,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 giảm 10,30 USD (-0,57%), xuống 1.793,80 USD/ounce.
Giá dầu giảm trong phiên đầu tuần do tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể Omicron ở châu Âu và Mỹ khiến nhà đầu tư lo ngại các nước sẽ áp những biện pháp hạn chế mới có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Mặt khác, tại Mỹ, các công ty năng lượng tiếp tục bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ hai liên tiếp.
Số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đã tăng lên 579 giàn trong tuần tính đến ngày 17/12, cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo Baker Hughes.
Kết thúc phiên 20/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,63 USD (-3,7%), xuống 68,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2 USD (-2,7%), xuống 71,52 USD/thùng.