Biến chủng Omicron đe dọa giá dầu

Biến chủng Omicron đe dọa giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu mất hơn 10% trong ngày 26/11 và dự báo sẽ tiếp tục hạ nhiệt trước lo ngại về biến chủng mới của virus Corona.

Sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới khiến giá xăng dầu ở Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với thông tin phối hợp giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của các nước tiêu thụ lớn do Tổng thống Joe Biden điều phối.

Việc thiết lập lại các hạn chế đi lại bằng đường hàng không đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu. Giá dầu thô giao sau của Mỹ giảm hơn 10 USD/thùng vào ngày 26/11 xuống 68,15 USD/thùng.

Trước khi giá dầu giảm nhờ thông tin về biến chủng Covid-19 mới thì giá dầu đã ở mức cao kỷ lục là 86 USD/ thùng vào tháng 10. Và khi nhu cầu sử dụng dầu hồi phục nhanh hơn so với dự báo cộng với việc giá tăng quá cao, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên tục yêu cầu OPEC+ phải gia tăng nguồn cung dầu.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh gia tăng lo lắng rằng lạm phát có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế của Mỹ sau đại dịch.

Nhưng OPEC và các đồng minh, trong đó có cả Nga, đã “ngó lơ” lời kêu gọi gia tăng sản lượng của Mỹ và trung thành với kế hoạch khi chỉ tăng khoảng 400.000 thùng dầu/ngày kể từ tháng 8 sau khi giảm kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày trong năm ngoái khi đại dịch Covid-19 hạn chế nhu cầu đi lại của người dân.

Tổ chức này lý giải rằng, việc gia tăng nguồn cung không kiểm soát có thể sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa dầu trong năm 2022.

OPEC+ vẫn còn dư địa 3,8 triệu thùng/ngày chưa khôi phục và một số nhà phân tích cho rằng liên minh này có thể dừng tăng sản lượng để đề phòng ảnh hưởng tiềm ẩn từ Covid-19.

Không thể thuyết phục OPEC+ bơm thêm dầu và phải đối mặt với mức tín nhiệm thấp trước cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ tại Quốc hội, ông Biden đã chuyển hướng tìm kiếm sự hợp tác đến từ Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong một kế hoạch gia tăng nguồn cung dầu và đã được các nước này ủng hộ.

Tuy nhiên, động thái này không thúc đẩy giá dầu thô giảm mạnh, mà phải đợi đến vài ngày sau đó, khi tin tức về biến chủng Omicron của vius Corona gây ra tình trạng bán tháo dầu thô trên thị trường.

Mỹ hiện đang kêu gọi nhiều nước đồng minh cùng bán ra lượng dầu từ kho dự trữ để kìm hãm giá dầu bởi giá dầu tăng cao sẽ làm tăng thêm lo ngại lạm phát. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm mới đây cũng đã nhắc lại rằng các quốc gia sản xuất dầu cần tăng nguồn cung "vào thời điểm này để mọi người không bị tổn thương trong những tháng mùa đông".

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết, một đợt bán dầu dự trữ phối hợp giữa các nước có thể bổ sung khoảng 70 - 80 triệu thùng dầu thô cung cấp cho thị trường. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã mở một cuộc đấu giá để bán 32 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược (SPR), giao hàng từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 4/2022. Bộ này có kế hoạch sẽ sớm giải phóng thêm 18 triệu thùng dầu nữa.

Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ có thể không cần phải tìm đâu xa để thúc đẩy nguồn cung dầu khi sản lượng khai thác ở Mỹ đã phục hồi.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 330.000 thùng/ngày trong quý IV để đạt 99,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm.

Con số này tăng 6,4 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ được dự báo sẽ chiếm 60% nguồn cung ngoài OPEC+ trong năm tới, hiện được dự báo sẽ cung cấp khoảng 1,9 triệu thùng/ngày ra thị trường, mặc dù nước này dự kiến sẽ không trở lại mức sản lượng trước đại dịch cho đến cuối năm 2022.

Mặt khác, biến chủng Omicron cũng đang đe dọa sẽ đảo ngược mức tăng của thị trường dầu trong những tháng gần đây khi hoạt động du lịch và kinh tế bắt đầu phục hồi sau một loạt các chính sách hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới trên khắp thế giới.

Russ Mold, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell cho biết: “Giá dầu giảm là cách thị trường nói rằng họ đang lo lắng về việc hoạt động kinh tế bị đình trệ. Thị trường rõ ràng đang suy đoán rằng sự lây lan nhanh chóng của chủng Covid mạnh hơn có thể một lần nữa khiến nền kinh tế toàn cầu bị trật bánh”.

Tin bài liên quan