Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV

BIDV tự tin phát hành thành công hơn 5 nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang thực hiện đợt phát hành tăng vốn lớn quy mô 5.100 tỷ đồng. ĐTCK có cuộc trao đổi với ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV về đợt tăng vốn này.

Xin ông cho biết mục đích của đợt phát hành tăng vốn lần này?

Kể từ khi IPO vào năm 2011, BIDV chưa thực hiện bất kỳ đợt tăng vốn nào. Mục đích của đợt phát hành tăng vốn năm 2013 là nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng năng lực cạnh tranh. Số vốn tăng thêm sẽ được phân bổ, sử dụng hợp lý để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

 

Trong khi BIDV vẫn chưa niêm yết, đợt phát hành này liệu có đặt thêm gánh nặng hay làm giảm lợi ích của cổ đông của BIDV hay không, theo ông?

Đợt phát hành lần này sẽ gia tăng lợi ích của cổ đông trong tương lai khi số vốn tăng thêm phát huy hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Với kế hoạch niêm yết trong năm 2013 sau khi hoàn thành tăng vốn, các cổ đông có thể yên tâm giao dịch một cổ phiếu có chất lượng cao trên thị trường. BIDV tin tưởng các cổ đông của Ngân hàng luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng nói chung và đợt phát hành này nói riêng.

 

Với số lượng cổ phiếu khá lớn, BIDV dự kiến thế nào về khả năng phát hành hết?

Trong số hơn 510 triệu cổ phiếu phát hành đợt này, có 104,2 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức 8 tháng cuối năm 2012 cho cổ đông, phần còn lại (405,8 triệu cổ phiếu), có trên 388,6 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông Nhà nước và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, còn 17,2 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông hiện hữu ngoài Nhà nước và mức giá phát hành là bằng mệnh giá, 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán như hiện nay, mức giá phát hành như vậy là rất khả thi để BIDV có thể bán hết toàn bộ. Trong trường hợp cổ đông hiện hữu ngoài Nhà nước không thực hiện quyền mua của mình thì toàn bộ số lượng cổ phiếu không bán hết sẽ được BIDV chào bán cho đối tượng khác theo cách thức và điều kiện phù hợp đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua và trình bày trong Bản cáo bạch phát hành.

 

Có ý kiến cho rằng, hệ số CAR của BIDV còn yếu và việc hoãn niêm yết của Ngân hàng cũng vì lý do này. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Hệ số CAR của BIDV luôn đảm bảo trên 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. BIDV đã nhận được chấp thuận niêm yết của Sở GDCK TP. HCM vào ngày 10/10/2012. Tuy nhiên, do tình hình thị trường chứng khoán thời gian nửa cuối năm 2012 liên tục suy giảm, tính thanh khoản của thị trường không cao, nên BIDV đã báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận lùi thời điểm niêm yết. Việc lùi niêm yết cổ phiếu đã được BIDV thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo quy định.

BIDV tự tin phát hành thành công hơn 5 nghìn tỷ đồng ảnh 1

BIDV dự kiến sẽ niêm yết trên HOSE trong năm nay, sau khi tăng vốn

 

Vì sao Vietcombank, Vietinbank đều đã tìm được đối tác chiến lược và giúp hỗ trợ cho sức khỏe tài chính của hai ngân hàng này rất nhiều, còn BIDV chưa thực hiện?

BIDV luôn xác định việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với năng lực tài chính mà còn trong nhiều lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm dịch vụ, quản lý rủi ro... Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho cấu phần lựa chọn NĐT chiến lược được duy trì liên tục thông qua các hoạt động tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về chiến lược phát triển và tình hình hoạt động của BIDV.

Trước tình hình kinh tế thế giới, trong nước chưa thực sự thuận lợi, cùng tâm lý chưa thực sự hứng khởi của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, BIDV đang thận trọng triển khai từng nội dung của cấu phần bán chiến lược nhằm đạt được kết quả cao nhất.