Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ về những định hướng trong năm 2014 - năm có ý nghĩa quyết định để hoàn thành nhiệm vụ cả giai đoạn 2011 - 2015 của Ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu khởi phát từ năm 2008 đã đòi hỏi hệ thống tài chính toàn cầu cần phải thực hiện những cải cách căn bản và sâu rộng nhằm thích nghi được với nhu cầu phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định được yêu cầu cấp thiết và ban hành Nghị quyết tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính là một trong ba lĩnh vực chủ đạo, quan trọng nhất.
Trải qua hơn 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu TCTD, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực: khả năng thanh khoản, an toàn của hệ thống đã được đảm bảo; một số ngân hàng yếu kém đã được tái cấu trúc hoạt động thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất; quá trình xử lý nợ xấu đã có nhiều tiến bộ, niềm tin của thị trường đối với hệ thống ngân hàng ngày một gia tăng…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu TCTD vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu, hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, BIDV đã tập trung toàn lực, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vị trí một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam và đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện kế hoạch chiến lược giai đoạn 2011 - 2015, trong đó một số kết quả tiêu biểu như sau:
- Hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, nhất là CPH toàn bộ hệ thống BIDV từ NHTM đến các công ty bảo hiểm, chứng khoán. Riêng ngân hàng thương mại BIDV đã thực hiện IPO từ tháng 12/2011 và ngày 24/1/2014 chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Đồng thời, BIDV thực hiện đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị DN.
- Năng lực tài chính của hệ thống không ngừng được tăng cường, đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2013 đạt 32.000 tỷ đồng, tăng khoảng 9.000 tỷ đồng trong 3 năm.
- Điều hành tăng trưởng tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, dòng vốn tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên (cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay DN nhỏ và vừa, tài trợ xuất khẩu, cho vay DN ứng dụng công nghệ cao), chủ động triển khai các gói tín dụng nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh cho DN. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu giảm dần qua các năm và đến hết năm 2013 kiểm soát ở mức 2,3%.
- Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và đảm bảo các chỉ tiêu thanh khoản, an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN.
- Tập trung tái cấu trúc lại nền khách hàng, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ với các sản phẩm, dịch vụ tiện ích với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại…
- Công tác quản trị rủi ro, kiểm tra, giám sát được chú trọng đẩy mạnh. BIDV đã được NHNN lựa chọn là 1 trong 10 NHTM phấn đấu đáp ứng chuẩn mực về QTRR theo quốc tế Basel II vào năm 2015;
- Lợi nhuận trước thuế, năng suất lao động của các năm sau CPH của BIDV có mức tăng trưởng rất đáng khích lệ, các chỉ tiêu cơ cấu chất lượng được đảm bảo, đáp ứng mong đợi của các cơ quan quản lý nhà nước và các cổ đông, khách hàng, người lao động BIDV.
Những thành quả mà BIDV có được nói trên là nhờ sự chủ động, linh hoạt và sự sáng tạo của Ban lãnh đạo BIDV trong điều hành, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong việc phát triển hoạt động kinh doanh; đồng thời nhờ sự kiên trì theo đuổi chiến lược kinh doanh đề ra, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu hoạt động hệ thống BIDV giai đoạn 2010 - 2015 phù hợp với diễn biến môi trường kinh doanh, chủ trương tái cơ cấu của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Điều đó có nghĩa là thành công mỗi ngân hàng tạo dựng bởi nội tại và cả quá trình hoạt động, vậy nếu nhìn về tương lai, chẳng hạn 5 - 10 năm tới, BIDV sẽ nằm ở vị trí nào trong bản đồ ngân hàng Việt Nam?
Chúng tôi cho rằng, thành công của mỗi ngân hàng thương mại đều xuất phát từ sức mạnh nội tại và một chiến lược phát triển đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong thời gian tới, khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong 5 năm tới, BIDV sẽ phấn đấu trở thành một định chế tài chính có chất lượng, hiệu quả, uy tín hàng đầu Việt Nam, hội nhập chủ động và tích cực vào kinh tế khu vực Đông Nam Á và thế giới..
Để làm được điều đó, BIDV sẽ thực hiện một số mục tiêu sau:
(i) Nỗ lực tái cơ cấu toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng;
(ii) Tăng cường vị thế, tầm ảnh hưởng của BIDV trên thị trường tài chính trong nước và khu vực;
(iii) nâng cao năng lực quản trị rủi ro; chủ động áp dụng và quản lý tiệm cận theo các thông lệ quốc tế;
(iv) Phát triển mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ;
(v) Nâng cao năng lực khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh nhằm tạo đột phá để tăng hiệu quả, năng suất lao động;
(vi) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng chuyên gia;
(vii) cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại nhất cho khách hàng;
(viii) cam kết mang lại giá trị tốt nhất cho các cổ đông;
(ix) tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, cơ hội phát triển nghề nghiệp và lợi ích xứng đáng cho mọi nhân viên;
(x) thực hiện tốt trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
Đạt giải Báo cáo thường niên (BCTN) tốt nhất là minh chứng thể hiện tính minh bạch trong hoạt động của BIDV với cổ đông và nhà đầu tư. Vậy các cam kết khi CPH và khi niêm yết với các cổ đông đã được BIDV thực hiện thế nào và có khó khăn gì không?
Chúng tôi rất phấn khởi khi ngay trong năm đầu tiên BIDV chính thức niêm yết, BCTN của BIDV đã lọt vào Top các BCTN tốt nhất trên TTCK Việt Nam. Việc chuẩn bị BCTN một cách nghiêm túc là một trong những động thái thể hiện tính minh bạch trong hoạt động của BIDV với cổ đông, các cơ quan quản lý, các đối tác và bạn hàng.
Cam kết minh bạch chính là mục tiêu mà BIDV đã kiên trì theo đuổi trong nhiều năm qua. Với việc áp dụng tiêu chuẩn kế toán theo cả hai hệ thống kế toán Việt nam (VAS) và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) liên tục trong 18 năm và thực hiện định hạng tín nhiệm quốc tế trong 8 năm vừa qua, BIDV luôn được đánh giá là Ngân hàng hàng đầu về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Về công bố thông tin, thực tế, sau khi chính thức trở thành ngân hàng TMCP, BIDV đã tuân thủ các quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52/2012/TT-BTC. Sau thời điểm niêm yết trên HOSE, công tác tiếp xúc với các nhà đầu tư được duy trì thường xuyên, góp phần tạo ra kênh thông tin 2 chiều hiệu quả giữa BIDV với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Website của BIDV cũng đã được cải tiến giao diện, nội dung và bổ sung các tính năng tra cứu của trang tin Nhà đầu tư nhằm giúp các cổ đông tiếp cận thông tin thuận lợi hơn.
Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Ban Tổ chức cuộc bình chọn BCTN đã hướng sự quan tâm của các DN đến việc đầu tư vào chất lượng thông tin trong BCTN, thể hiện được cái nhìn toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của DN, công tác quản trị và các nội dung về phát triển bền vững.
Bên cạnh việc bám sát các yêu cầu của Thông tư 52, BCTN của BIDV năm nay cũng đã tách riêng nội dung Báo cáo phát triển bền vững, đây chính là một trong những thế mạnh của BIDV trong thời gian qua.
Quản trị theo thông lệ, hiệu quả kinh doanh vững chắc, nguồn nhân lực ổn định và bài bản, đầu tư chiến lược về công nghệ thông tin, phát triển mạng lưới cùng với giá trị truyền thống về văn hóa DN, vì cộng đồng.
Đó là những nhân tố tạo nên sự khác biệt của BIDV, đảm bảo sự tăng trưởng bền vững về lâu dài và là nền tảng thuận lợi để BIDV thực hiện tốt các cam kết với cổ đông.
Ngay trong những ngày đầu năm 2014, BIDV đã hiện thực hóa cam kết đưa cổ phiếu lên niêm yết, nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu. Ban lãnh đạo BIDV và tập thể cán bộ nhân viên đang nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh ĐHCĐ đề ra, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.
Bên cạnh đó, để tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu, BIDV có kế hoạch tiếp tục tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp (bao gồm cả các quỹ đầu tư chỉ số ETF).
Mặc dù BIDV là DN mới niêm yết trên TTCK, vẫn còn cả chặng đường phía trước để tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với BIDV. Nhưng tôi tin rằng, bằng giá trị nội lực bền vững và những đóng góp của BIDV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, sự minh bạch trong hoạt động, cam kết vì lợi ích tối đa cho cổ đông, cổ đông sẽ tiếp tục tin tưởng và đồng hành cùng với BIDV đưa cổ phiếu BID trở thành một trong những cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu trên TTCK Việt Nam.