Về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, BIDV đưa ra một số kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng..., nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý...
Đồng thời, theo BIDV, Ngân hàng Nhà nước cần sớm thực hiện rõ ràng hơn hoạt động tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại qua cho vay cầm cố trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp. Xem xét đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ đối với một số ngành hàng, lĩnh vực theo hướng không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
BIDV cũng khiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2, từ 2016 -2020.
Về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, BIDV cho rằng, các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, như cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện để trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 7/2016; rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Chính phủ trong quý III/ 2016.
BIDV cũng khuyến nghị các bộ, ngành cần sớm xây dựng và ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh, tránh tình trạng “vênh” với luật chuyên ngành...
Để siết chặt chi tiêu công và tăng cường quản lý nợ công, BIDV khuyến nghị, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành thực hiện chính sách tài khoá chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước...
Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả quản lý nợ công theo hướng: (i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia;
(ii) Tiếp tục cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn, tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ;
(iii) Đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu thu chi lành mạnh hơn, tập trung tăng tỷ trọng thu nội địa, tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ;
(iv) Tăng trách nhiệm đối với hiệu quả đầu tư công với tiêu chí đánh giá hiệu quả rõ ràng, minh bạch.