Nhiều người gửi tiền rút tiền khi đến hạn tất toán

Nhiều người gửi tiền rút tiền khi đến hạn tất toán

Bị rút hàng ngàn tỷ đồng, ngân hàng vẫn chưa lo thanh khoản khó

Tiền đồng không những bị rút ra khỏi ngân hàng mà còn chuyển dịch sang vàng và đôla Mỹ. Liệu lượng tiền bị rút có ảnh hưởng đến thanh khoản ngân hàng?

Ông Đàm Thế Thái, phó tổng giám đốc ngân hàng HDBank, cho biết trong vòng ba tuần đã có hơn 1.000 tỷ đồng chảy khỏi ngân hàng này. Và trong khi huy động đôla Mỹ không có mức tăng trưởng rõ rệt thì dư nợ huy động vàng tăng lên đáng kể.

 

Đến hạn là rút tiền

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, cho hay bên cạnh một lượng tiền đã bị rút khỏi ACB, một phần không nhỏ đang chuyển dịch khá mạnh sang đôla Mỹ và vàng. Theo tổng cục Thống kê, tính đến nay, giá vàng đã tăng 30,48% so với đầu năm và tăng 61,26% so cùng kỳ năm ngoái; đôla Mỹ tăng 7,78% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo phó giám đốc một ngân hàng tại TP.HCM, đáng lo ngại nhất là lượng khách hàng rút tiền lại nằm trong nhóm khách hàng mục tiêu, nắm giữ số tiền lớn. Không kể những khoản tiền gửi của những khách hàng ẩn danh trên liên ngân hàng từ 10 tỷ đồng trở lên, ở ngân hàng ông, có gần 70% khách hàng gửi tiền từ 500 triệu đồng đến 5 tỷ đồng. Và ngân hàng mệt mỏi vì giờ đây, cứ đến hạn là nhiều người trong số họ yêu cầu tất toán.

Để giữ tiền nằm lại ngân hàng, lãi suất huy động tiền đồng đã nằm sát trần 14% thẳng băng cho tất cả các kỳ hạn, từ 1 ngày đến 60 tháng. Ông cho hay các biện pháp phải làm ngay để giữ chân khách hàng là tính lãi mỗi ngày 14%/năm, lãi suất qua đêm lên 12 – 13%/năm, và khách hàng được rút tiền bất cứ lúc nào.

Sau ba tháng giữ nguyên, lãi suất huy động vàng ở ACB được nâng lên cao. Ngân hàng này đã tăng lãi suất đối với chứng chỉ huy động vàng ở hầu hết các kỳ hạn, cao nhất là kỳ hạn 11 tháng với 1,3%/năm (trước là 1,1%/năm), và tăng thêm 0,2% ở hầu hết các kỳ hạn còn lại. Cao hơn, ở HDBank vừa nâng lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng kỳ hạn 364 ngày lên đến 2%/năm, kỳ hạn 3 – 9 tháng từ 1,5 – 1,6%/năm. Đây được xem là biện pháp để giữ tiền ở lại ngân hàng khi mà tiền được người dân chuyển thành vàng.

Ngoài việc tập trung chăm sóc khách hàng, không ít ngân hàng đang lên chương trình khuyến mãi. “Bây giờ lãi suất ở ngân hàng nào cũng như nhau, buộc lòng phải có những chương trình khuyến mãi để thu hút và giữ thị phần”, ông Đàm Thế Thái cho hay.

 

Chưa lo khó thanh khoản

Theo cục Thống kê Hà Nội, đến hết tháng 9, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 746.289 tỷ đồng, giảm 0,76% so với cuối tháng 8 và giảm 6,15% so với tháng 12.2010. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm giảm 2,42% so với cuối tháng 8 và giảm 5,23% so với cuối tháng 12.2010.

Theo ông Bùi Tấn Tài, lượng tiền rút trước hạn ở ACB không nhiều, vì hiện nay kỳ hạn gởi phổ biến là từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên, theo ông Đàm Thế Thái, chính vì đa số kỳ hạn ở 1 – 3 tháng, nên lượng tiền đáo hạn đến rất nhanh và quay vòng liên tục.

Theo vài ngân hàng, đa số họ không gặp khó khăn thanh khoản, mà những động thái vừa qua là nhằm duy trì thị phần huy động. Trước đó, ngân hàng Nhà nước đã bỏ giới hạn cấp tín dụng trên vốn huy động trong thông tư 13 làm lượng vốn được dùng tăng lên. Hơn nữa, việc kiểm soát tín dụng dưới 20% trong năm nay làm số ngân hàng sử dụng hết lượng vốn huy động không nhiều. Thí dụ, sáu tháng đầu năm nay, vốn huy động của HDBank đạt 39.923 tỷ đồng, nếu cho vay đúng 20% thì dùng hết khoảng 14.000 tỷ đồng, phần còn lại ngân hàng dùng để kinh doanh việc khác.

Tuy nhiên, cũng không phải không có vài ngân hàng đang lo cho thanh khoản. Động thái của ngân hàng Nhà nước gần đây được cho là đang hỗ trợ mạnh thanh khoản cho các ngân hàng, hỗ trợ cho lãi suất giảm. Theo đó, sau năm tháng duy trì, tuần qua kỳ hạn cho vay trên thị trường mở từ bảy ngày đã tăng lên 14 ngày. Nhà nước cũng thực hiện những động thái bơm hút tiền khá mạnh trên thị trường mở nhằm tạo thanh khoản cho các ngân hàng. Theo dữ liệu của Reuters và NDHMoney, tuần qua (ngày 19/9 đến ngày 23/9), ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 4.000 tỷ đồng sau khi hút về hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần trước đó. Tổng cộng từ đầu tháng 9 đến nay, ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 22.000 tỷ đồng.