Jeff Immelt hiện là Chủ tịch và CEO của Tập đoàn General Electric (GE) từ năm 2001. Ông từng 3 lần được bầu chọn là một trong những “CEO giỏi nhất toàn cầu” do Tạp chí Barron tổ chức.
Ông hiện là thành viên của Hội đồng tư vấn Kinh tế dưới quyền Tổng thống Obama. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Toán tại Đại học Dartmouth năm 1978 và nhận bằng MBA tại Harvard năm 1982. Dưới đây là những chia sẻ của ông với các bạn trẻ ngày nay:
Trong thế kỷ 21, thành công có thể đến rất nhanh nhưng cũng có thể biến mất chỉ sau một đêm. Những người thành công là những người biết nhận ra xu thế mới, học cách thay đổi nhanh chóng, hợp tác và cùng sáng tạo để đi tới kết quả cuối cùng. Dưới đây là những điều tôi nghĩ sẽ giúp các bạn thành công trong một thế giới đầy biến động này.
Đầu tiên, bạn cần học cách thay đổi
Chúng ta không thể biết khi nào nền kinh tế mới bình ổn trở lại vì thế càng không thể trông chờ vào một sự chắc chắn trong tương lai. Ngày nay, chúng ta tạo ra tương lai cho chính mình và điều này đồng nghĩa với một sự thay đổi từ chính bản thân chúng ta.
Vài năm trước đây, tôi chẳng bao giờ có thể hình dung ra GE sẽ trở thành một công ty phần mềm. Phải, mảng IT nên dành cho những startup mới nổi có thể làm thay đổi thế giới như Facebook hay Google chứ không phải một công ty “già nua” được thành lập từ thế kỷ 19 như GE.
Nhưng ngày nay, phần mềm và phân tích dữ liệu đang ngày trở nên cấp thiết hơn. Con người ngày càng cần hơn những cỗ máy thông minh với “big data”. Vì thế chúng tôi vẫn đang ngày đêm tìm kiếm những tài năng trẻ để giúp chúng tôi và hiển nhiên những “ông già” như tôi cũng phải học cách thay đổi để theo kịp với họ. Chúng tôi cũng đâu còn sự lựa chọn nào khác.
Nhưng để thay đổi, bạn cần không ngừng học hỏi
Trước đây, Thomas Edison thường nhìn vào cái mà thế giới cần rồi cố gắng phát minh ra những cái đó. Mỗi khi hoàn thành xong một phát minh, ông lại tiếp tục tìm kiếm và chế tạo những cái tiếp theo. Tất cả chỉ vì một mục đích khiến cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Và tư tưởng đó của ông vẫn là kim chỉ nam cho tất cả chúng tôi ngày nay tại GE. Học tập để không ngừng thay đổi, không chỉ cho hôm nay mà còn cho tương lai phía trước.
Khi tôi còn phụ trách mảng dịch vụ khách hàng của GE vào năm 1989 và hãng gặp phải một “thảm hoạ” khi buộc phải thay thế hơn 3 triệu máy nén khí (compressor) trong tủ lạnh của khách hàng. Chắc bạn cũng hiểu một chiếc tủ lạnh mà bị hỏng bộ phận này sẽ chỉ còn là một “chiếc tủ” mà thôi.
Và chúng tôi đã phải tới từng hộ gia đình để sửa lại bộ phận này. Phải nói rằng, với một người chuyên ngành Toán như tôi, được ngồi trong bếp sửa tủ lạnh cho khách hàng với đống kem chảy nước bên cạnh quả là một bài học thấm thía.
Mỗi thất bại sẽ mang bạn gần hơn tới thực tế để bạn tiếp tục sáng tạo và trở nên tốt hơn
Học hỏi không ngừng sẽ giúp bạn tự tin hơn. Khi bạn tự tin hơn, bạn sẽ dám đương đầu với rủi ro. Và những người lãnh đạo tốt nhất tôi từng gặp chính là những người như vậy.
Ngày hôm nay, GE đang là công ty xuất khẩu lớn thứ 2 tại Mỹ chỉ sau Boeing. Nhưng tôi cần phải nói với bạn rằng, việc mở rộng kinh doanh ra toàn cầu là vô cùng rủi ro. Bên cạnh nỗi sợ hãi thường trực, bạn sẽ còn phải đối mặt với những thách thức về niềm tin và văn hoá.
Tuy nhiên, chúng ta không thể vì thế mà nhắm mắt lại và vờ như thế giới ngoài kia không hề tồn tại. Bạn đâu thể biết rằng giải pháp của ngày hôm nay vẫn còn đúng với ngày mai.
Cái giá của việc tự hạn chế bản thân lại chỉ vì “Tôi quá sợ thất bại” còn lớn hơn cả việc đương đầu với rủi ro. Nếu không thử thì làm sao chúng ta biết được liệu nó có thành công hay không.
Hãy nhìn vào những startup cùng những doanh nhân trẻ ngoài kia. Có thể họ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng họ sẵn sang hy sinh tất cả mọi thứ để theo đuổi một mục tiêu duy nhất với tất cả niềm đam mê và sự kiên định. Rồi đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra: Đứng yên một chỗ mới là thất bại.
Một khi đã chấp nhận rủi ro, hãy quyết tâm theo đuổi nó tới cùng
Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ rằng, chấp nhận rủi ro nhưng không có nghĩa rằng chúng ta sẽ thành công. Chúng ta có thể không đạt được điều mà chúng ta mong muốn hay thậm chí bị ngã rất đau. Nhưng đừng quá lo lắng, hãy đứng dậy và tiếp tục bước tới.
Đã từ rất lâu rồi, mọi người thường nghĩ nền kinh tế Mỹ đã đạt tới điểm giới hạn của nó khi mà sản xuất đang được chuyển ra khắp thế giới, chúng ta ít còn được thấy “Made in USA” nữa và người công nhân trong nước không thể cạnh tranh nổi với đội quân “giá rẻ” ở thế giới thứ ba. Thế nhưng nước Mỹ không đầu hàng. Chính sự tự tin, sức sáng tạo và sự bền bỉ mới mang lại ưu thế cạnh tranh cho chúng ta.
Khó khăn chắc chắn sẽ rất nhiều nên bạn hãy chuẩn bị để đối mặt với nó. Chính sự kiên định sẽ khiến bạn trở nên tốt hơn.
Hãy trở thành người lãnh đạo tốt nhất có thể
Trong thế giới của mạng xã hội ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Nhưng một người lãnh đạo sáng suốt chắc chắn sẽ không chỉ đổ lỗi hay phàn nàn, đó là về sự lạc quan và luôn hướng về phía trước. Vào những thời điểm khó khăn, chỉ cần một câu nói: “Hãy cứ làm đi nào!” chắc chắn tình thế sẽ khác đi rất nhiều.
Bạn hãy nhớ rằng, lãnh đạo không phải là một công việc, đó là một lựa chọn và cũng là một vinh dự. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm theo rất nhiều áp lực. Đừng nghĩ rằng sự lãnh đạo sẽ mang lại cho bạn sự nhàn nhã, bạn sẽ không phải chỉ xắn tay áo lên bắt tay vào công việc như những đồng nghiệp mà còn phải học cách vượt lên chính mình và thúc đẩy những người khác nữa.
Thế giới ngày nay đầy biến động, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhưng đừng vì thế mà cảm thấy nản lòng. Đó là thử thách nhưng cũng là cơ hội cho tất cả chúng ta. Rủi ro lớn nhất mà chúng ta gặp phải chính là việc không dám đối mặt với những rủi ro.
Hãy lạc quan lên và tin vào điều tốt đẹp ở phía trước. Thế giới đang trông chờ vào tài năng lãnh đạo của các bạn. Hãy nhớ rằng, khi bạn cố gắng để trở nên tốt hơn, đó cũng là lúc bạn đang thay đổi thế giới này.
Chúc các bạn thành công!