Cái tên SDM chỉ được nhắc tới rất vắn tắt trong lễ giới thiệu dòng xe BMW X6
Ông Horst J. Herdtle, Tổng giám đốc EAC, người đã đảm nhiệm vị trí này trước khi Sime Darby Motor trở thành cổ đông chiến lược của EAC chỉ đơn giản cho hay, tới nay việc sáp nhập đã hoàn tất và EAC tiến hành công bố cổ đông. Ban điều hành của EAC cũng khéo léo tránh mọi câu hỏi sâu hơn về SDM, thương vụ mua bán, cũng như các cổ đông khác của EAC với báo giới.
Theo thông tin trên báo chí quốc tế, vào tháng 11/2013, SDM, Sime Singapore Ltd đã mua 89,15% cổ phần của Công ty Europe Automobiles Corp Holdings Pte Ltd (EACH) - nơi đang nắm giữ quyền kiểm soát 82,98% tại EAC, với giá 93,73 triệu RM (tiền Malaysia), tương đương 29,59 triệu USD. Trong những người bán ở thương vụ này có ông Don Lam - một gương mặt quen thuộc với thị trường chứng khoán Việt Nam ngay khi mới ra đời.
Tiếp đó, SDM tiếp tục mua thêm 16,02% cổ phần của EAC từ hai cá nhân khác với giá 20,219 triệu RM. Sau các thương vụ liên quan, SDM nắm khoảng 90% cổ phần tại EAC.
Dẫu vậy, cái tên SDM lại chỉ được nhắc tới rất vắn tắt trong lễ giới thiệu dòng xe BMW X6. Không có thêm bất cứ thông tin nào rõ ràng về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại EAC hiện tại của nhà đầu tư này, hay sự hiện diện của cổ đông lớn trước báo giới Việt Nam. Điều này khác hẳn những đình đám khi ra mắt cổ đông chiến lược, cổ đông lớn tại những doanh nghiệp Việt Nam gần đây.
Các thông tin tìm thấy trên Internet và tại website của chính Sime Darby Berhad cho biết, đây là một doanh nghiệp lớn của Malaysia có hoạt động chính tại 5 lĩnh vực: đồn điền, thiết bị công nghiệp, động cơ, bất động sản và năng lượng, tại hơn 20 nước và vùng lãnh thổ.
Riêng SDM là đối tác phân phối nhiều thương hiệu ô tô lớn như BMW, Mini, Rolls-Royce, Porsche, Jaguar and Lamborghini, Hyundai, Land Rover, Ford, Peugeot, Mitsubishi and Ssang Yong, có mạng lưới trải rộng trên các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand. Với riêng thương hiệu BMW, Sime Darby Motos được xem là nhà phân phối lớn thứ ba.
Dù SDM rất có kinh nghiệm trong phân phối ô tô tại nhiều thị trường và chiếm tới 90% cổ phần của EAC, nhưng tại Việt Nam, theo khẳng định của các quan chức EAC, SDM chỉ là nhà đầu tư tài chính. Và dường như nhà đầu tư này đang rất hài lòng với kết quả bán xe BMW, mà biểu hiện rõ nét là Ban điều hành EAC vẫn không thay đổi kể từ khi diễn ra chuyện mua bán vào cuối năm 2013 tới nay.
Theo ông Horst J. Herdtle, với hơn 1.300 xe ô tô của hai nhãn hiệu BMW và Mini được bán ra trong năm 2014, trong đó tới 90% là xe BMW, EAC đã có tốc độ tăng trưởng 32%.
Sau nhãn hiệu Mini được bắt đầu phát triển trong năm 2014, đầu năm 2015, EAC đã tiếp tục đưa nhãn hiệu mô tô phân khối lớn BMW Motorad vào thị trường Việt Nam, nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Với 3 nhãn hiệu khác nhau và nhắm vào các đối tượng khác nhau, EAC kỳ vọng, năm 2015 sẽ tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tốt.
“Cổ đông chiến lược hiện tại vui mừng với kết quả kinh doanh của chúng tôi, muốn chúng tôi phát triển nhanh hơn nữa, xây thêm các đại lý mới. Theo kế hoạch, giữa năm nay, EAC sẽ chính thức đưa phòng trưng bày và dịch vụ của Mini tại TP.HCM vào hoạt động, mở showroom riêng cho BMW Motorad tại Hà Nội và TP.HCM”, ông Horst J. Herdtle nói.
Hiện đối thủ của BMW, ngoài các hãng xe đến từ Đức như Mercedes-Benz và Audi, còn có Lexus đang giành giật thị trường rất khốc liệt. Năm 2014, BMW ra mắt khoảng 10 mẫu xe ô tô cho hai nhãn hiệu BMW và Mini, còn Mercedes-Benz cũng đưa ra 18 mẫu xe mới cho thị trường với kết quả bán hàng đạt 2.467 xe, tăng trưởng tới 43%. Còn Lexus, dù 2014 là năm đầu tiên bán hàng tại Việt Nam, nhưng cũng đã đạt kết quả rất ấn tượng, với 374 xe bán ra cho 5 mẫu và chỉ có 1 showroom duy nhất.
Đứng trước thách thức cạnh tranh trên, đại diện EAC cho biết, dù BMW có nhà máy tại Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, nhưng xe BMW bán tại Việt Nam được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, Anh. “Có thể trong tương lai, chúng tôi sẽ nghĩ tới việc nhập khẩu xe từ khu vực để hưởng lợi thế về thuế”, đại diện EAC nói và cho biết, hiện thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN chỉ là 50% (sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018), trong khi nhập khẩu từ các khu vực khác là 67%.