Uyển chuyển lãi vay
Theo kết quả kinh doanh quý III năm tài chính 2018 - 2019 (kết thúc 30/6/2019), Hoa Sen đạt lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm tài chính là 277 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ riêng điều này chưa đủ để đánh giá chính xác được năng lực của một doanh nghiệp.
EBIT (thu nhập trước thuế và lãi vay) là một số liệu được sử dụng để có thể soi chiếu rõ hơn sức khỏe tài chính của doanh nghiệp sau khi loại bỏ những ảnh hưởng do sự khác nhau về cấu trúc vốn và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về cấu trúc vốn, nợ phải trả thời điểm cuối quý III năm tài chính 2018 - 2019 của Hoa Sen là 12.801 tỷ đồng, khá cao so với vốn chủ sở hữu 5.386 tỷ đồng. So với kỳ trước, Công ty đã điều chỉnh cơ cấu nợ tốt hơn, với giá trị nợ đã giảm khoảng 20,5%, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản giảm từ 75,8% xuống còn 70,4%. Tỷ lệ nợ tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều doanh nghiệp thép khác, như Hòa Phát (52,4%) hoặc Tổng công ty Thép (42,2%).
Ngoài ra, điều đáng chú ý trong cơ cấu nợ của Hoa Sen là tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính chiếm phần lớn nợ, tổng nợ vay cả tài chính dài hạn và ngắn hạn là 11.005 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng nợ phải trả. Đây cũng là một tỷ lệ khá cao so với 70,9% của Hòa Phát hoặc chỉ 67,4% của Tổng công ty Thép.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Hoa Sen cho biết, trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngành thép, vốn chủ sở hữu tập trung vào nhà xưởng, máy móc.
Dù vậy, thời gian qua, Hoa Sen đã có sự điều chỉnh giảm thấp nợ vay hơn so với trước, nhưng cũng chỉ đến giới hạn nào đó. Bởi lẽ nhu cầu vốn cho hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp cần phải dựa vào vốn vay.
“Với trường hợp cụ thể của Hoa Sen, để đảm bảo đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng mỗi tháng, thì nhu cầu vay ngắn hạn phải luôn duy trì ở mức khoảng 7.000 tỷ đồng”, ông Thanh cho biết.
Chính vì nhu cầu vay nợ có liên quan đến việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận của từng doanh nghiệp, nên những chỉ số về tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính là một trong những lý do quan trọng mà giới tài chính quan tâm đến chi phí lãi và ảnh hưởng của nó đối với hoạt động kinh doanh, vì vậy, chỉ số EBIT được sử dụng tương đối phổ biến làm công cụ phân tích.
Ngoài việc được sử dụng để so sánh giữa các công ty với nhau mà không bị ảnh hưởng bởi sự khác nhau về cấu trúc vốn giữa các công ty, EBIT còn là một thước đo để có thể đánh giá việc các doanh nghiệp đã khôn khéo đến đâu khi sử dụng vốn vay trong việc tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Theo đó, trong một số trường hợp, doanh nghiệp tăng nợ vay lên cao hơn, nhưng tỷ lệ EBIT/chi phí lãi vay vẫn tăng, tức lợi nhuận tạo ra vẫn nhiều hơn so với chi phí phải bỏ ra để trả tiền lãi vay, thì có thể vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tham chiếu với các số liệu của Hoa Sen, EBIT của 9 tháng đầu năm tài chính 2018 - 2018 là 1.217 tỷ đồng, chi phí lãi vay là 577 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ EBIT/chi phí lãi vay là 2,1 lần. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm tài chính 2018 - 2019, chi phí lãi vay đã giảm thấp hơn, chỉ còn 560 tỷ đồng, EBIT là 924 tỷ đồng, tỷ lệ EBIT/chi phí lãi vay là 1,65 lần, giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy, Hoa Sen đang nỗ lực giảm tỷ lệ nợ nói chung, tỷ lệ vay nợ tài chính nói riêng và đương nhiên, các con số này làm cho bảng cân đối kế toán của Công ty nhìn đẹp hơn. Tuy vậy, tỷ lệ EBIT/chi phí lãi vay giảm mạnh trong năm qua cho thấy, việc rút bớt vay nợ tài chính chưa hẳn đã là một phương án tốt về kinh doanh trong thời điểm hiện tại.
Bí ẩn của khấu hao
Một chỉ số quan trọng khác được giới tài chính quan tâm là chỉ số EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao). Một lý do chung khiến chỉ số này được nhiều nhà đầu tư yêu thích là EBITDA có tác dụng như “màng lọc” để các doanh nghiệp có thể được so sánh với nhau, không bị lệ thuộc vào phương pháp trích khấu hao mà doanh nghiệp sử dụng.
Ngay cả việc cùng thực hiện phương pháp trích khấu hao giống nhau, nhưng thời gian khấu hao tài sản khác nhau cũng có thể làm cho con số khấu hao thay đổi. Hoa Sen, Hòa Phát, Nam Kim, Tổng công ty Thép, Thép Việt Ý đều chọn cách tính khấu hao theo phương pháp đường thẳng trong suốt thời gian hữu dụng dự tính của tài sản.
Tuy nhiên, Hoa Sen xác định thời gian khấu hao máy móc, thiết bị là 3 - 12 năm. Trong khi đó, Hòa Phát xác định khấu hao máy móc, thiết bị là 2 - 25 năm, Thép Nam Kim xác định thời gian khấu hao nhà cửa, vật kiến trúc là 5 - 50 năm, Thép Việt Ý là 10 - 30 năm. Tổng công ty Thép cho rằng, phương tiện vận tải của họ khấu hao trong vòng 6 - 30 năm, nhưng phương tiện vận tải của Thép Việt Ý được thời gian khấu hao chỉ là 6 - 8 năm, còn của Hoa Sen là 2 - 10 năm…
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia), cách đơn giản nhất để lấy được số liệu về khấu hao và hao mòn trong kỳ là lấy từ báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nếu được lập theo phương pháp gián tiếp. Trường hợp doanh nghiệp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng phương pháp trực tiếp thì sẽ phải tìm số liệu về khấu hao và hao mòn từ bảng thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Đối với Hoa Sen, báo cáo tài chính quý III của Công ty lập theo mô hình báo cáo bán niên và báo cáo tài chính năm hơn là báo cáo quý. Theo đó, người đọc không lấy được con số khấu hao và hao mòn của riêng quý III, mà chỉ lấy được tổng khấu hao lũy kế 9 tháng, cụ thể là 866 tỷ đồng.
EBITDA 9 tháng của Hoa Sen theo đó sẽ là 364 (lợi nhuận trước thuế) cộng 560 (chi phí lãi vay) cộng 866 (khấu hao), kết quả là 1.790 tỷ đồng. Với cách tính tương tự, EBITDA 6 tháng của Hòa Phát là 6.235 tỷ đồng, của Nam Kim là 404 tỷ đồng.
Các con số EBITDA trên sẽ không thể dùng để so sánh với nhau, bởi quy mô doanh nghiệp khác nhau, chưa kể số liệu của Hoa Sen là số liệu 9 tháng. Theo đó, để có một con số có thể so sánh với nhau một cách tương đối, người sử dụng sẽ phải đem số liệu đó chia cho doanh thu trong kỳ (EBITDA/doanh thu thuần). Kết quả của Hoa Sen là 8,3%, đẹp hơn so với Hòa Phát (20,5%) và Nam Kim (6,8%).