“Bí ẩn” đề xuất nạo vét lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi 3 doanh nghiệp đề xuất gia hạn thời gian nạo vét lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, thì doanh nghiệp vận hành hồ thủy điện này lại không có nhu cầu nạo vét.
Hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Ảnh: T.X.

Hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Ảnh: T.X.

Hết hạn vẫn nạo vét không đủ khối lượng

Ba doanh nghiệp (gồm Công ty TNHH MTV Lê Tám, Công ty TNHH LHP Tiến Phong, Công ty TNHH MTV Tuấn Cát Lợi) đồng loạt đề xuất Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép gia hạn thời gian hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi.

Theo hồ sơ, sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi tại văn bản số 5365 (ngày 9/9/2015), Công ty TNHH LHP Tiến Phong đã tiến hành đầu tư xây dựng dự án với tổng chi phí khoảng 4,2 tỷ đồng (trong đó, thuế cấp quyền khai thác khoáng sản 402,29 triệu đồng, các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường 290,11 triệu đồng).

Tại biên bản cuộc họp ngày 14/9/2021, Công ty TNHH LHP Tiến Phong cho rằng, đến nay, do đường vận chuyển khó khăn, không khai thác được và chưa có nguồn tiêu thụ, nên thời gian qua, mặc dù đã đầu tư rất lớn, nhưng Công ty mới thực hiện nạo vét được khối lượng khoảng 20.580 m3/116.342 m3, khối lượng chưa thực hiện còn khoảng 95.762 m3.

Hiện nay, khu vực xin nạo vét bị bồi lắng nhiều sỏi, bùn đất, cát, Công ty đề nghị cho gia hạn (cấp giấy phép gia hạn) tiếp tục nạo vét khai thác khối lượng còn lại tại các vị trí đã được cho phép trong lòng hồ thủy điện Hàm Thuận đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép (diện tích nạo vét là 10 ha, giới hạn bởi các điểm góc có tọa độ theo bản đồ tỷ lệ 1/5000) tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh để có thể phát huy năng lực, kinh nghiệm, phương tiện thiết bị sẵn có và tránh lãng phí tài nguyên cát, sỏi trong lòng hồ thủy điện Hàm Thuận.

Công ty TNHH LHP Tiến Phong đưa ra các cam kết, như hoạt động nạo vét cục bộ, tận thu cát, sạn sỏi xây dựng đúng phạm vi, nội dung được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận; thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy điện theo đúng quy định...

Đáng lưu ý là ý kiến của Công ty TNHH LHP Tiến Phong và Công ty TNHH MTV Lê Tám thể hiện tại biên bản cuộc họp (do Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng chủ trì) vào ngày 14/9/2021 có cùng nội dung và chỉ khác về con số: “Theo báo cáo của đơn vị (Công ty TNHH MTV Lê Tám - PV), đến nay, do đường vận chuyển khó khăn, không khai thác được và chưa có nguồn tiêu thụ nên thời gian qua, mặc dù đã đầu tư rất lớn, nhưng Công ty mới thực hiện nạo vét được khối lượng khoảng 10.000 m3/49.416 m3, khối lượng chưa thực hiện còn khoảng 39.416 m3.

Theo hồ sơ phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn thu thập được, sau khi tổ chức cuộc họp cùng với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan vào ngày 14/9, đến ngày 30/9, bà Cao Thị Thanh, Phó giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng đã ký văn bản số 1908, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét cho 3 doanh nghiệp trên được chuyển tiếp từ thực hiện nạo vét kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi xây dựng thuộc lòng hồ thủy điện Hàm Thuận sang thực hiện gia hạn, điều chỉnh giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Hàm Thuận (gồm hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, sạn sỏi; phương tiện thủy nội địa thô sơ; lập bến bãi tập kết nguyên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện).

Không có nhu cầu nạo vét?

Trong khi 3 doanh nghiệp đề xuất gia hạn thời gian hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình lòng hồ thủy điện Hà Thuận - Đa Mi, thì Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (doanh nghiệp quản lý, vận hành hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi) cho rằng, Công ty đã thực hiện việc khảo sát bồi lắng của hồ thủy điện Hàm Thuận (thuê Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 thực hiện vào tháng 12/2019) cho thấy sự bồi lắng từ khi bắt đầu vận hành hồ chứa (năm 2001) cho đến nay, ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động của hồ chứa thủy điện Hàm Thuận. Vì vậy, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chưa có nhu cầu nạo vét lòng hồ thủy điện Hàm Thuận.

Tuy vậy, trường hợp có chủ trương khai thác nạo vét để phát triển kinh tế của địa phương, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện.

“Các đơn vị có hoạt động nạo vét trong vùng lòng hồ thủy điện Hàm Thuận phải cam kết, tuân thủ các quy định cấp phép, đảm bảo an ninh trật tự khu vực nạo vét, đảm bảo an toàn vận hành hồ Hàm Thuận và thường xuyên báo cáo đến các cơ quan chủ quản của địa phương và Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tình hình thực hiện và các diễn biến bất thường”, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi ý kiến.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trường hợp 3 doanh nghiệp kể trên được chuyển tiếp và gia hạn thì doanh nghiệp có trách nhiệm đánh giá kết quả đã thực hiện theo phương án trước đây và khối lượng nạo vét còn lại.

Trước đó, ngày 30/6, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản 1816 cho biết, trước đây, tại khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép 3 đơn vị (Công ty TNHH LHP Tiến Phong, DNTN Lê Tám, Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi) nạo vét lòng hồ, kết hợp thu hồi cát. Tuy nhiên, đến nay, thời hạn nạo vét đã hết. Hiện nay, khu vực này chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nạo vét, thu hồi cát cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Mọi hoạt động nạo vét, khai thác, thu hồi cát là trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.

Để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Di Linh và UBND huyện Bảo Lâm xem xét báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương phối hợp với Công ty này kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ và yêu cầu di dời toàn bộ máy móc, thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực trong thời gian sớm nhất.

Vào tháng 10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường từng cảnh báo các doanh nghiệp gồm Doanh nghiệp tư nhân Lê Tám, Công ty TNHH LHP Tiến Phong về việc chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu của cơ quan này về việc hoàn chỉnh hồ sơ, hoạt động nạo vét theo quy định.

Theo văn bản số 1818 và 1819 của Sở Tài nguyên và Môi trường vào thời điểm đó, 2 doanh nghiệp kể trên hoạt động nạo vét, thu hồi khoáng sản chưa đảm bảo theo văn bản của tỉnh, cũng như phương án được thẩm định và các quy định khác có liên quan.

Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu 2 doanh nghiệp này phải lập Hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt; chỉ được nạo vét khi hoàn thành hồ sơ về môi trường theo quy định; di chuyển các thiết bị, máy móc, tàu thuyền không đúng (thông số kỹ thuật, số lượng) theo phương án được thẩm định ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (theo phương án chỉ cho phép 1 tàu hoạt động)...

Tin bài liên quan