Bí ẩn đằng sau quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Bí ẩn đằng sau quan hệ thương mại Mỹ - Trung

Một đứa trẻ Mỹ sinh ra năm 2012 sẽ nợ xấp xỉ 50.000 USD ngay từ khi chào đời. Và ai cũng biết Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Nhưng điều đó không đơn giản như vậy.

Ai cũng biết Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu từ bộ tài chính Mỹ, tổng nợ hiện nay của nước Mỹ đã là 15.678 nghìn tỷ USD trong khi GDP năm 2011 là 15.000 nghìn tỷ USD. Như vậy, tổng nợ của Mỹ đã vượt quá GDP và vẫn không ngừng gia tăng mỗi ngày. Điều đó có nghĩa một đứa trẻ Mỹ sinh ra năm 2012 sẽ nợ xấp xỉ 50.000 USD ngay từ khi chào đời.

 

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Mỹ đang vay mượn phần lớn tiền tiết kiệm của thế giới để bù đắp cho sự thâm hụt ngân sách. Ben Bernanke, Chủ tịch cục dự trữ liên bang FED hiện nay, người chịu trách nhiệm về tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, thậm chí còn có một bài diễn thuyết năm 2005 với chủ đề, "Sự thừa thãi tiền tiết kiệm toàn cầu và thâm hụt tài khóa hiện nay của nước Mỹ". Bài phát biểu này tạo cho người nghe cảm giác rằng thế giới có quá nhiều tiền tiết kiệm đến mức họ không biết làm gì với nó ngoài việc cho nước Mỹ vay tiền

 

Mọi người nghĩ rằng số USD thừa thãi ở bên ngoài nước Mỹ do thâm hụt thương mại đang quay trở lại để cho người Mỹ vay tiền? Điều đó không hoàn toàn đúng.

 

Chắc chắn có rất nhiều khoản đầu tư nước ngoài đang diễn ra ở Mỹ, nhưng nó không lớn như con số báo cáo. Vậy thì tất cả số tiền dùng để mua tất cả trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ nhằm bù đắp phần lớn thâm hụt ngân sách cho nước Mỹ đến từ đâu? Xin thưa rằng, đó là từ các quốc gia là đối tác thương mại chính của Mỹ tạo ra

 

Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, do đó người Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ, đứng thứ hai là Nhật Bản. Dưới đây là biểu đồ các chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ:

 

Bí ẩn đằng sau quan hệ thương mại Mỹ - Trung ảnh 1

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lý do vì sao Trung Quốc có thể trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc vẫn được coi là công xưởng của thế giới, bởi thế khi một người Mỹ mua thứ gì đó ở Mỹ mà được làm từ Trung Quốc, người bán đó đã mua sản phẩm này từ một thương gia Trung Quốc và phải trả bằng đồng USD.

 

Thương gia Trung Quốc này sau đó nộp số USD này vào ngân hàng địa phương của anh ta ở Trung Quốc, anh ta cũng có thể bán USD cho ngân hàng để đổi lấy nhân dân tệ. Do đó ngân hàng này thừa USD nhưng thiếu lượng NDT tương ứng với số USD đó. Vì thế, họ bán số USD dư cho ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBC) để mua thêm NDT.

 

Một khi cán cân thương mại giữa hai quốc gia cân bằng thì không có vấn đề gì. Nhưng khi một quốc gia bị thâm hụt liên tục và một quốc gia thặng dư liên tục như Mỹ và Trung Quốc ngày nay thì lại nảy sinh vấn đề

 

Đối với nước xuất siêu như Trung Quốc thì sẽ có quá nhiều tiền tệ đi đến Trung Quốc hơn là tiền đi ra. Vì thế, ngân hàng trung ương Trung Quốc nắm giữ một số lượng USD thừa thãi. Với quy luật thương mại quốc tế và trao đổi ngoại tệ, họ cần phải bán số đôla dư thừa này trên thị trường ngoại hối Forex (Foreign Exchange) và mua vào NDT.

 

Tuy nhiên điều này sẽ khiến cho đồng USD giảm giá và làm đồng NDT tăng giá. Một đồng NDT tăng giá so với đồng USD sẽ khiến cho hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường Mỹ, vì thế làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc, đó là điều mà người Trung Quốc không muốn chút nào

 

Do vậy, để thoát khỏi cuộc chơi thương mại quốc tế và trao đổi ngoại hối, người Trung Quốc đã uốn cong quy luật thị trường. PBC lấy số USD dư thừa ra và trung hòa nó bằng cách mua một tài sản nào đó tính bằng đồng USD, thường xuyên nhất là một loại công cụ đầu tư lãi suất nào đó như là Trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc làm này đã ngăn chặn đồng NDT tăng giá.

 

Như vậy, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã sử dụng những đồng USD thừa để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và họ không mua NDT từ thị trường ngoại hối để lấy NDT bán lại cho ngân hàng địa phương của thương nhân Trung Quốc nọ. Vậy thì PBC đã lấy NDT ở đâu để trả cho ngân hàng địa phương kia?

 

Xin thưa rằng, với mỗi đồng USD mà Trung Quốc trung hòa bằng việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã làm trò ảo thuật bằng cách in ra một lượng NDT tương ứng từ "không khí". Nó là một đồng NDT mới tinh, thường được gọi là "tiền tệ năng lượng cao" bởi vì khi nó đi vào các ngân hàng thương mại nó sẽ được dùng như tài sản dự trữ trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.

 

Bí ẩn đằng sau quan hệ thương mại Mỹ - Trung ảnh 2

Đằng sau quan hệ thương mại Mỹ - Trung còn nhiều bí ẩn

 

Tỷ lệ dự trữ của ngân hàng thương mại nghĩa là khi một người nào đó gửi vào ngân hàng một USD, ngân hàng đó phải giữ lại một phần nhỏ của số tiền đó (thường là dưới 10%) để làm dự trữ bắt buộc để trả cho những người gửi khác. Phần tiền còn lại (90% còn lại) họ có thể tiếp tục cho vay. Đến lượt mình, ngân hàng thứ hai cũng giữ lại 10% và cho vay tiếp 90%

 

Quá trình cứ tiếp tục như vậy, trong trường hợp lý tưởng, quá trình đó tiếp diễn tới vô cùng. Bởi vậy, thông qua việc cho vay, các ngân hàng thương mại đã làm gia tăng cung tiền tệ đến thị trường. Khi cung tiền gia tăng sẽ dẫn tới lạm phát tăng cao bởi có nhiều tiền tệ hơn đuổi theo số lượng hàng hóa nhất định

 

Trung Quốc luôn muốn ghìm chặt NDT ở mức thấp để giữ cho xuất khẩu rẻ, mà để ghìm giữ mức giá thấp đó họ phải tạo ra tiền tệ. Lượng tiền tệ tạo ra đã làm cho chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao.

 

Không còn cách gì khác, các cơ quan nhà nước phải ra lệnh tăng lương tối thiểu cho công nhân, mà đây lại là khoản chi phí các công ty đưa vào giá thành sản phẩm. Bởi vậy, sẽ dẫn tới một mức giá cao hơn dù là sản xuất cho tiêu dùng nội địa hay xuất khẩu. Sau đó sự tăng giá hàng Trung Quốc tại Mỹ sẽ làm cho người tiêu dung Mỹ tiêu thị ít hàng Trung Quốc hơn. Quá trình sẽ tiếp tục cho đến khi thâm hụt thương mại được điều chỉnh cân bằng trở lại

 

Như vậy có thể thấy, thâm hụt tại Mỹ luôn được chống đỡ bởi các tiền tệ pháp định của các ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới, điển hình nhất là Trung Quốc. Các ngân hàng này đang tích trữ các khoản nợ của Mỹ (trái phiếu chính phủ) lớn hơn bao giờ hết và đang cố gắng chống đỡ một cách giả tạo.

 

Phần lớn các khoản nợ là không thể trả nổi, nếu các đối tác thương mại bắt đầu rũ bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ trên thị trường thế giới, toàn bộ bong bong tín dụng sẽ vỡ tung, hậu quả sẽ là khủng hoảng.  Những gì đang diễn ra tại châu Âu hiện nay là minh chứng cho điều này khi thị trường đã không còn tin các chính phủ và họ bỏ chạy khỏi trái phiếu chính phủ

 

Các chính phủ và ngân hàng trung ương càng cố gắng lách quy luật của thị trường tự do càng lâu thì những tổn thương khi thị trường tự điều chỉnh sẽ càng lớn. Giống như các kim loại quý hiếm, thị trường tự do luôn chiến thắng